Toạ đàm doTập đoàn FLC phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo nhiều cơ quan chức năng có liên quan.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng nhanh và đây là tín hiệu đáng mừng.
Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng đánh giá, nhìn một cách tổng quát, trong thời điểm hiện nay, môi trường kinh tế, chính trị và bầu không khí hòa bình, hữu nghị trên toàn thế giới đang khá thuận lợi cho phát triển vận tải hàng không, mặc dù đâu đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ diễn biến khó lường.
Thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn đang tiếp tục phát triển, trong đó châu Á-Thái Bình Dương được Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đánh giá là khu vực năng động với sự tăng trưởng cao nhất thế giới là 6 đến 7%/năm. Thị trường Vận tải hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, trong thập kỷ qua bình quân đạt hơn 16%/năm.
Theo ông Châu, hơn 30 năm đổi mới Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, mạng lưới cảng hàng không, sân bay được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới với 10 Cảng hàng không quốc tế và 12 Cảng hàng không quốc nội.
Mới đây Quốc hội đã thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng số vốn đầu tư lên tới 16,3 tỷ USD; Hệ thống quản lý điều hành bay được hiện đại hóa ngang tầm khu vực và thế giới; Đội tàu bay với các hãng vận tải hàng không mới ra đời liên tục mua sắm hàng chục, hàng trăm máy bay mới, trong đó có nhiều máy bay thân rộng, bay đường dài hiện đại.
Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới hàng chục hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư. Mối quan hệ Việt - Mỹ đang nồng ấm nhất từ trước đến nay; Mỹ đang là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam… Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với mức tăng trưởng bình quân 6,5 %/năm. Các ngành kinh tế như du lịch, xuất nhập khẩu, công, nông nghiệp, văn hóa, thể thao…tiếp tục phát triển không ngừng tạo nên nhu cầu đi lại bằng đường không ngày càng gia tăng.
Và đặc biệt, ngày 15/2/2019 Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam. Với chứng chỉ này, cánh cửa cho đường bay thẳng giữa hai nước đã mở rộng hơn bao giờ hết.
Mỹ - Thị trường đầy tiềm năng
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hàng không đến Mỹ được đánh giá là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm. Theo Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, trong năm 2018, số lượt người Việt đi du lịch qua quốc gia này đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng, đạt 107.000 người.
Cục Hàng không Việt Nam thông tin, ngay từ khi ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam -Hoa Kỳ được ký tháng 12/2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Hoa Kỳ.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam |
Để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, ngành hàng không Việt Nam mà cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.
Tháng 2/2019 vừa qua, Việt Nam đã chính thức nhận chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Việc phê chuẩn CAT 1 đã mở đường cho các hãng hàng không của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ và tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên danh giữa các hãng hàng không và nhân dân hai nước.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.
Bamboo Airways tiên phong "bay thẳng" tới Mỹ
Ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways
Theo đánh giá của Bamboo Airways, đây là một đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng. Không chỉ là đường bay kết nối hai đất nước nằm ở hai châu lục, mà còn là đường bay kết nối hai nền kinh tế đang có rất nhiều tiềm năng hợp tác, khẳng định một bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa chính trị, ngoại giao giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.
“Chúng tôi không giấu kỳ vọng, Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ. Là một hãng hàng không tư nhân trẻ và năng động, được hậu thuẫn bởi một thị trường hàng không năng động bậc nhất thế giới, một Chính phủ đang khích lệ mạnh mẽ mở cửa bầu trời cho hàng không phát triển, chúng tôi tự tin rằng Bamboo Airways hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Thành nói.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, ngay sau khi chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh tháng 1/2019, Bamboo Airways đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay nhiều thách thức này như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ…
"Tại cuộc tọa đàm này, với tinh thần quyết tâm cao và thái độ cầu thị, Bamboo Airways rất mong muốn thu nhận được từ các diễn giả và khách tham dự chia sẻ những ý kiến đóng góp, phân tích những giá trị mang lại từ đường bay thẳng Việt - Mỹ cho quốc gia, cho các lĩnh vực ngành nghề kinh tế của đất nước, cho con người Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp tháo gỡ được tất cả những nút thắt cùng Bamboo Airways thực thi được ước muốn của mình", ông Thành kết thúc bài phát biểu.
Chỉ cần bán vé 1.300 USD là có lãi
Trong khu vực ASEAN, hiện nay mới có Singapore có đường bay thẳng tới Mỹ, nếu suôn sẻ, Việt Nam sẽ là nước thứ 2.
Thông tin thêm về bài toán kinh doanh của Bamboo Airways khi quyết định mở đường bay thẳng tới Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC thẳng thắn cho biết, nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng/tháng. Cụ thể: "Giả sử Bamboo phải thuê 1 tàu bay 787, nếu thuê tàu bay khoảng 1 triệu USD/tháng khoảng 23 tỷ đồng, khoảng 61 tỷ chi phí nguyên tiền xăng dầu cho 1 tháng. 1 tháng bay được 17 ngày, mỗi chuyến bay thông thường 15 tiếng, nếu bay vào mùa đông khoảng tháng 12, tháng 1 ngược gió thành 17 tiếng. Chi phí kỹ thuật 16 tỷ, chi phí dịch vụ mặt đất 1 tỷ, chi phí khác 6 tỷ...
Về thu, nếu giả sử bán vé 1.100 USD, sẽ thu về trên 240 khách. Tuy máy bay 787-9 có 310 ghế, song chúng tôi sẽ phải giảm đi để có thêm ghế hạng C. Trung bình 240 ghế x 1.100 USD cả chiều đi chiều về, số tiền thu về ước khoảng 116 tỷ 300 triệu đồng. Số lỗ khoảng 14 tỷ. Thế nhưng nếu bán vé tăng lên mức 1.300 USD cho khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỷ/tháng. Như vậy nó hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé.
Giai đoạn đầu có thể khuyến mại, nhưng khi ổn định, tin tưởng rồi, bay an toàn, đúng giờ, sự chuyên nghiệp của phi công, tiếp viên..., chúng tôi có thể nhích lên, nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá vé bay Mỹ của Japan Airlines 1.600 USD, hay Cathays trên dưới 1.300 USD...
Dĩ nhiên cũng có rủi ro, là nếu trừ tất cả các loại chi phí nhưng nếu không đủ số hành khách trung bình là 240 khách.
Như vậy, tiềm năng, cơ hội, thực tế của hãng, tất cả các loại chi phí của hãng, số liệu chi phí cho một tàu bay đều hoàn toàn khách quan và chính xác đến từng đôla.
Đó là thuê, còn đối với Bamboo Airways, có giám đốc khu vực của Boeing ngồi đây, đến tháng 12/2019, chúng tôi sẽ nhận máy bay đầu tiên 787-9 của Boeing, chúng tôi đã quyết định sử dụng động cơ GE của Mỹ để Boeing hoàn thiện, bàn giao chiếc tàu bay đầu tiên theo thỏa thuận đã ký kết với sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump".
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways phân tích bài toán kinh doanh khi quyết tâm mở đường bay thẳng tới Mỹ |
Người đứng đầu Tập đoàn FLC cũng bộc bạch: "Tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ? Rất nhiều người cho là Bamboo mở đường bay đi Mỹ thì không khả thi, thậm chí là có phần “chém gió”. Chưa kể, tôi cũng là một người gây tốn nhiều giấy bút của các nhà báo và người dùng mạng xã hội, đặc biệt là nhiều người lại rất quan tâm về các tin thất thiệt".
Khẳng định mình là người nói nhiều, nhưng "làm còn nhiều hơn", ông Quyết cho biết: Những gì Bamboo Airways làm được trong thời gian qua có thể nói là ấn tượng: bay đúng giờ nhất, bay an toàn nhất, tỷ lệ lấp đầy trên dưới 90%. Nói về kinh doanh hàng không, tôi rất thích ở chỗ số liệu rất chuẩn xác và được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng. Tỷ lệ đúng giờ trên dưới 95% là hoàn toàn chính xác, con số chính xác đến từng 0,01%. Hay việc đón vị khách thứ 1 triệu", ông Quyết nói.
Dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu, Singapore trên dưới 6 triệu. Và hãng hàng không Singapore Airlines thì đang đi kiếm khách trên khắp thế giới này, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, nguyên số người gốc Việt ở Mỹ đã bằng nửa dân số Singapore... Chính vì vậy, không có lý do gì nói rằng thị trường Mỹ không có tiềm năng.