Sáng nay (29/12), Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức Hội thảo “báo chí 30 năm đổi mới – những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tự đổi mới để theo kịp sự phát triển
Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu nhấn mạnh, 30 năm qua (1986-2016), trong công cuộc đổi mới, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu |
Hưởng thành quả của đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, báo chí cũng tự đổi mới hoạt động để theo kịp sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và đã đạt được thành tựu có ý nghiã quan trọng.
Tuy nhiên, trong điều kiện, tình hình mới, báo chí cũng đã bộc lộ những bất cập, yếu kém và đối mặt nhiều thách thức phải vượt qua. Vì vậy, Hội thảo cần nhìn nhận, thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới.
Đó là, vai trò của báo chí đối với sự phát triển của đất nước, những vấn đề đặt ra hiện nay với công tác báo chí…, nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội với báo chí truyền thống.
Hội thảo cũng thảo luận về xử lý mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội, những xu hướng phát triển báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, việc thực hiện 10 điều trong Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam…
Báo chí truyền thống đang đối mặt với sự cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội |
Tiếp tục khẳng định những thành tích của báo chí cách mạng qua 30 năm đổi mới, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN cũng chỉ ra một số khuyết điểm của công tác báo chí.
Trong đó phải kể đến việc nhiều thông tin báo chí thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của một số tờ báo chậm được khắc phục.
Còn nhiều thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn được đăng tải. Nhiều chương trình liên kết của các đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.
Đổi mới phải đi cùng đạo đức nghề báo
Nhiều ý kiến lo ngại về cách xử lý thông tin, “rút tít” không chính xác để “câu view”. Nguy hiểm hơn, có hiện tượng một số tờ báo, nhà báo “lẩn dưới vỏ thận trọng” để tránh các sự kiện xã hội mà quên đi trách nhiệm là tiếng nói của cơ quan, tổ chức, là diễn đàn dân chủ để nhân dân thể hiện nguyện vọng của mình. Điều này thể hiện phẩm chất và trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Thậm chí, như ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh, vì giành giật “miếng bánh” quảng cáo thì báo chí đôi khi lệch lạc.
Vì vậy, nói đến vấn đề đổi mới và đạo đức nghề báo, Nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch HNBVN nhận thấy, các giá trị văn hóa – đạo đức của báo chí Việt Nam được thể hiện ổn định tại các quy định qua ba lần sửa đổi.
Nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
Trong khuôn khổ Hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam, với vai trò Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã tổ chức trao giải Ảnh báo chí "ASEAN - Một cộng đồng" cho các tác giả thuộc CAJ, triển lãm 87 tác phẩm ảnh báo chí tiêu biểu của các nhà báo ASEAN về đất nước, con người các quốc gia thành viên.
“Bản Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí năm 1995 đã nói đến sự liêm khiết của nhà báo. Nhưng ngày nay tình trạng người làm báo “đạo báo” ngày càng nhiều. Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành nhưng việc cắt dán, bê nguyên si tác phẩm của người khác vẫn diễn ra ngày càng dễ. Không ít nhà báo nhận lương báo này nhưng làm cho báo khác là chính”.
“Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành từ lâu, tại sao chưa đi vào cuộc sống? Chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh mẽ như 3 năm vừa qua, nhưng tại sao xu thế suy thoái đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận nhà báo chưa có dấu hiệu ngừng?”, nhà báo Phan Quang hỏi với đầy trăn trở.
Bản quy định năm 2016 vừa được ban hành đã “bổ khuyết” được sự ràng buộc vốn thiếu của các bản trước khiến các bản quy định trước “chưa đi vào cuộc sống”.
Theo đó, người làm báo Việt Nam phải “cam kết” thực hiện toàn văn Quy định. Đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
Cùng với việc thực hiện, “quy định sẽ được hoàn chỉnh ngày càng tốt hơn, sát thực tiễn hơn, trở thành nếp tác nghiệp của chúng ta”, Nhà báo Phan Quang hy vọng.
Song song với hoạt động của đội ngũ làm báo chí, ông Phạm Văn Linh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, một trong những việc cần làm trong năm 2017 để thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí tổi chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm;
Xử nghiêm, kịp thời các sai phạm của cơ quan báo chí và các cá nhân liên quan; nghiên cứu thành lập đường dây nóng với Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ TTTT để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng đối với các sự việc đột xuất, nhạy cảm.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Linh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư: “Đồng hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, Hội NBVN đã thể hiện vai trò “nhạc trưởng” trong tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của hội viên, xứng đáng là “ngôi nhà chung” của hơn 24.000 hội viên, nhà báo trong cả nước.
Trong 30 năm qua, chưa bao giờ vị thế của Hội được luật hóa một cách đầy đủ trong Luật Báo chí, là bước tiến quan trọng nâng ca vai trò và vị trí của Hội. Ngày 16/12/2016, HNBVN đã công bố 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN và có hiệu lực 1/1/2017 cùng với Luật Báo chí 2016. Đây là quy định có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”