Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Tại địa phương này, do chưa có cây cầu nối hai bờ sông, không chỉ việc đi lại bất tiện, mà hoạt động mua bán cũng kém hơn so với những khu vực khác.
Bà Trần Thị Bé (người dân địa phương) cho biết đã sống mấy chục năm sống cạnh bến phà, hiểu rõ những bất tiện vì chưa có cầu. “Khi cơ quan chức năng cho xây cầu, ai nấy đều rất mừng, nhưng mới xây được 3 trụ cầu thì lại tạm dừng”, bà Bé nói.
Cây cầu bắc qua sông Rạch Bàng nằm trong dự án xây dựng huyện lộ 37, thuộc phần hạ tầng giao thông kết nối trung tâm TP Trà Vinh - huyện Châu Thành - huyện Càng Long với QL60 và QL53. Công trình khởi công từ cuối 2023, nhưng sau khi thi công được 3 trụ cầu, nhà thầu đã rút hết thiết bị, máy móc, khiến dự án rơi vào tình trạng "đắp chiếu" hơn 5 tháng nay.
Ông Lê Quang Thạnh, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết: "Bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, mua bán. Ngay cả việc qua chợ hay trung tâm xã cũng phụ thuộc vào đò, phà. Nếu có cầu, giao thương thuận tiện, đời sống người dân chắc chắn cải thiện hơn".
Theo UBND huyện Càng Long, nguyên nhân chính khiến công trình chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án thực hiện theo hình thức Nhà nước đầu tư vốn, người dân hiến đất và cây trồng. Tuy nhiên, một số hộ dân bị ảnh hưởng diện tích đất lớn đã yêu cầu bồi thường và tái định cư. Dù UBND huyện đã ban hành hai quyết định thu hồi đất nhưng vẫn chưa có mức giá bồi thường cụ thể. Điều này khiến người dân chưa đồng thuận, kéo theo công trình bị đình trệ.
Ông Dương Vũ Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long xác nhận: “Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn của tỉnh còn hạn chế. Chúng tôi chỉ có kinh phí bồi thường tại vị trí mố cầu, còn lại phải vận động dân hiến đất. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, còn 2 hộ vướng mắc, đòi bồi thường ngay ngay tại vị trí trên. Vận động thì địa phương đã thực hiện nhiều lần”.
Nhiều ý kiến cho rằng “các bên nên hài hòa lợi ích”
Ngày 13/2 vừa qua, UBND xã Mỹ Đức cùng các đơn vị liên quan và những hộ gia đình có phần đất thu hồi đã họp lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện công trình nêu trên.
Tại buổi họp, bà Trương Thị Ngọc Diệp (hộ có phần đất nằm trong dự án) cho biết, gia đình bà sẵn sàng dời đi để cơ quan chức năng thực hiện công trình. Tuy nhiên, phần diện tích đất đền bù được bà cho rằng “chưa hợp lý”.
![]() |
Cuộc họp giữa các bên để tìm giải pháp sớm giải phóng mặt bằng chân cầu. (Ảnh trong bài: Nguyễn Thuận) |
Qua tìm hiểu, nhà bà Diệp có phần đất nằm trong dự án huyện lộ 37 ngay tại mố cầu. Nếu xây xong, căn nhà và phần đất còn lại sẽ nằm giáp ranh với chân cầu. Cảm thấy không an toàn, bà Diệp mong muốn “được đền bù luôn cả phần đất còn lại (gồm cả căn nhà đang ở hiện tại) với mức đền bù thỏa đáng rồi sẽ đi nơi khác sinh sống”.
Ông Huỳnh Trung Hiếu, Phó phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện cho biết, cuộc họp này để tiếp thu ý kiến từ những hộ dân có phần đất và tài sản nằm trong dự án sẽ được bồi thường với mức giá đền bù cụ thể. Nếu người dân thống nhất theo phương án sẽ thực hiện bồi thường nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Theo ông Hiếu, trường hợp nhà bà Diệp là trường hợp “có phần hơi nan giải”. Nguyên nhân chỉ một phần đất của nhà bà Diệp là nằm trong dự án, phần còn lại gắn liền với ngôi nhà không nằm trong phạm vi GPMB; nhưng gia đình bà lại đề nghị thu hồi bồi thường tất cả.
"UBND huyện đã báo cáo về UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện khảo sát, thẩm định giá và đưa ra chi phí hợp lý để các hộ di chuyển tài sản. Tuy nhiên, với phần đất không nằm trong dự án của hộ bà Diệp sẽ không được đền bù. Thay vào đó là hỗ trợ chi phí để bà Diệp dời đi đến nơi khác sinh sống", ông Hiếu đưa ra quan điểm.
Kết thúc buổi họp, các bên thống nhất các hộ dân sẽ có thời gian tham khảo phương án đền bù, sau đó sẽ đưa ra ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với mức đền bù được đề xuất. Nhiều ý kiến tại địa phương mong mỏi, do đây là dự án thực hiện theo hình thức Nhà nước đầu tư vốn, người dân hiến đất và cây trồng; nên các bên nên hài hòa lợi ích, để công trình sớm về đích, hiện thực hóa giấc mơ về một cây cầu của người dân xã Đức Mỹ.