Tại thành phố Kon Tum, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Trao đổi về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường”.
Toạ đàm là hoạt động nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, đồng thời thảo luận các khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh Trọng Triển) |
Tham dự toạ đàm có: ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); bà Y Hòa – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum; bà Nguyễn Thị Thạo, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); cùng các giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Pháp luật đại cương... của các nhà trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên cho biết: "Giáo dục pháp luật trong nhà trường không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho một xã hội thượng tôn pháp luật. Cùng với đó, nhà trường là nơi khởi đầu cho sự hình thành nhận thức của mỗi cá nhân, do đó việc phổ biến, giảng dạy kiến thức pháp luật cần được thực hiện không chỉ với tính chuyên môn cao, mà còn phải gần gũi, thiết thực để phù hợp với nhận thức của học sinh, sinh viên ở các cấp học khác nhau. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo, sự đầu tư vào giáo trình, tài liệu giảng dạy, cũng như sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, những người đóng vai trò trung tâm trong việc truyền tải kiến thức pháp luật đến học sinh".
Theo ông Phan Hồng Nguyên, bên cạnh nội dung giảng dạy trong các tiết học chính khóa, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mô hình sáng tạo như: câu lạc bộ pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hay phiên tòa giả định… cũng cần được đẩy mạnh. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức pháp luật một cách dễ dàng mà còn tạo môi trường thực tế để các em rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy phản biện và ý thức trách nhiệm công dân.
Tại toạ đàm, các đại biểu đã trao đổi về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. |
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật để phù hợp với tâm lý lứa tuổi và tăng cường sự hấp dẫn trong học tập như: làm các tiểu phẩm, video clip minh họa, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức pháp luật thông qua hình thức trực quan, sinh động. Đồng thời, bà Hiền cũng kiến nghị phát triển giáo trình và tài liệu giảng dạy có hình ảnh minh họa cụ thể, hỗ trợ giáo viên trong việc truyền đạt nội dung một cách hiệu quả hơn đến các em học sinh.
Còn cô Y Việt, Phó Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc Nội trú Kon Tum bày tỏ: Mặc dù giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhằm trang bị kiến thức và định hướng ý thức cho học sinh, nhưng việc triển khai vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Trong đó, thời lượng dành cho các môn học liên quan đến pháp luật trong chương trình giáo dục còn hạn chế, chưa đủ để học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc các kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mô hình thực hành nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức pháp luật vào thực tế vẫn gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do thiếu nguồn kinh phí.
Ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số giáo trình, tài liệu tham khảo chưa thực sự sát với thực tế hoặc chưa đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy các môn học liên quan đến pháp luật, như Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, cần được nâng cao trình độ chuyên môn, được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy. Việc này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ từ phía các cơ quan quản lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để có thêm kinh phí tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, mô hình truyền tải giáo dục pháp luật thu hút, sinh động đối với các em học sinh.