Bàn giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội sau “thiên nga đen” càn quét

(PLVN) - Đà Nẵng đang hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi “thiên nga đen”- dịch Covid-19 càn quét. Du lịch “đóng băng” hoàn toàn, kinh doanh sản xuất đình trệ khiến nền kinh tế - xã hội “lao đao”, khó khăn chồng chất khó khăn. Dù vậy, nhìn về mặt tích cực, mối quan tâm lớn nhất của chính quyền và người dân đều là hướng tới giải pháp phục hồi sau đại dịch.
Hy vọng, du lịch Đà Nẵng sẽ “bừng sáng” lần nữa
Hy vọng, du lịch Đà Nẵng sẽ “bừng sáng” lần nữa

Trong nhiều năm nay, TP Đà Nẵng xác định du lịch là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, ngành công nghiệp không khói thiệt hại nghiêm trọng và cũng là mối quan tâm hàng đầu để khôi phục.

Du lịch Đà Nẵng sẽ “bừng sáng” lần nữa?

Trong giai đoạn cách ly xã hội lần đầu, ngành du lịch Đà Nẵng đã sớm có kế hoạch triển khai biện pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo, nổi bật có chiến dịch “See you in Danang” (Hẹn gặp bạn tại Đà Nẵng).

Các bài viết, hình ảnh, video thú vị được chia sẻ qua các kênh danangfantasticity.com; fanpage Danang FantasticCity, Instagram, Klook.com…, nhằm lan toả thông điệp “Đà Nẵng rất đẹp và sẵn sàng chào đón các bạn”. Hiệu ứng của chiến dịch này là tạo niềm cảm hứng khám phá của du khách sau khi hết dịch. 

Cùng với đó là việc thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố nhằm tăng cường mối liên kết với các địa phương lân cận, phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ… Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lữ hành trên địa bàn TP Đà Nẵng đã chủ động thay đổi, tái cơ cấu, đào tạo nguồn nhân lực; tích cực áp dụng công nghệ vào quá trình quản lý, điều hành công ty; tìm hiểu, làm mới các sản phẩm tour, tuyến du lịch… để sớm thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Khi TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank you” năm 2020, hơn 150 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã đăng ký tham gia bằng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn đối với du khách nội địa.

Chính những điều này đã góp phần giúp ngành du lịch Đà Nẵng khởi động lại nhanh chóng sau tác động của đại dịch bùng phát đợt 1. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 2, Đà Nẵng trở thành “tiền tuyến” chống dịch, ngành du lịch bị đóng băng hoàn toàn. Đây là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi toàn bộ các dịch vụ kinh doanh đều phải đóng cửa theo chỉ đạo của Nhà nước và chính quyền thành phố để cùng đẩy lùi dịch bệnh. 

Tháng 7 và tháng 8 vốn được coi là hai tháng cao điểm của du lịch nội địa, nhưng tại TP Đà Nẵng lại đìu hiu vắng khách. Toàn bộ các tua tuyến đến Đà Nẵng đều bị hoãn, huỷ. Sau “cú giáng” của đợt đầu tiên bùng phát dịch bệnh, có thể thấy các doanh nghiệp du lịch đều phải “gồng mình” hứng chịu thiệt hại nặng nề. Còn đến lần thứ 2, nhiều doanh nghiệp đã bị “cạn kiệt”, đứng trước “bờ vực” phá sản. 

Mới đây, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất với Chính phủ về việc “giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021; chính sách giảm các chi phí lớn của doanh nghiệp như điện, nước, viễn thông… kéo dài đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay (hiện tại giảm 1-2% không đáng kể), hoãn nợ; làm sao để các gói cứu trợ tới doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, vì hiện nay dù doanh nghiệp đã làm hồ sơ rất nhiều nhưng chưa được hỗ trợ nào từ các gói cứu trợ của Chính phủ”.

Còn ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất Chính phủ xem xét “hỗ trợ thuế đất cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng; giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển” và đề xuất “ngành hàng không giảm bớt thời gian hoàn trả kinh phí vé cho các hãng lữ hành và khách lẻ”. Theo đó, các cơ quan chức năng cần sớm có định hướng, chính sách đầu tư hình thành các sản phẩm mới trong đó có kinh tế ban đêm để chuẩn bị các điều kiện sớm phục hồi sau dịch.

Với những diễn biến hiện tại, việc khôi phục, phát triển du lịch sau đại dịch là một bài toán khó, cần nỗ lực dài hơi. Câu hỏi đặt ra hiện nay là có thể áp dụng những giải pháp sau lần bùng phát đầu tiên của đại dịch tại Việt Nam hay không? Đây là một câu hỏi khó bởi lẽ nếu chúng ta lơ là một lần nữa, dịch bệnh có thể tái phát, thậm chí còn diễn biến phức tạp khó lường do du khách tự do đi lại.

Không những thế, tâm lý của du khách sẽ ngày càng e ngại kể cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát lần thứ hai. Người dân sẽ e ngại lên kế hoạch quá sớm bởi sự không chắc chắn. Việc “tháo gỡ” tâm lý người dân quay trở lại trạng thái bình thường mới một lần nữa sẽ là một thách thức lớn đối với ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng, ngành du lịch toàn quốc nói chung.

Hỗ trợ khôi phục, tăng gia sản xuất

Bên cạnh du lịch, nền công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo cũng là mũi nhọn phát triển của TP Đà Nẵng. Theo khảo sát của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm tại Đà Nẵng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành vận tải (95,2%), dịch vụ lưu trú (97,4%), giáo dục (95,9%), may mặc (92,8%)… 

Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề
 Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát lần một, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất ban đầu; đồng thời hỗ trợ thủ tục để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng chống dịch của thế giới.

Mặt khác, chính quyền thành phố đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp sản phẩm. Theo đó, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo mặt bằng sản xuất để thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước. 

Trong khi thành phố đang dần dần tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn và các doanh nghiệp đang chịu thiệt hại bởi Covid-19, dịch bệnh lại khiến nỗ lực này bị gián đoạn.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã lưu ý các sở ngành cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vào tháng 6/2020, TP Đà Nẵng đã phát động Chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm 2020 với sự tham gia của khoảng 1200 doanh nghiệp trên địa bàn bằng những gói ưu đãi “khủng”. Được biết, các hoạt động của chương trình này sẽ diễn ra xuyên suốt đến hết năm 2020 nhằm kích thích thị trường khởi sắc, tăng thêm doanh thu bán lẻ cho doanh nghiệp. 

Ở thời điểm hiện tại, tuy rằng thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng nhu cầu mua sắm vẫn luôn có. Song các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với những thói quen mới của người tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh, ví như chuyển từ mua hàng ở cửa tiệm sang mua hàng online. Như vậy, một bài toán mới được đặt ra là các chương trình kích cầu mua sắm của doanh nghiệp sẽ phải “biến mình” như thế nào để cạnh tranh, thu hút khách hàng trên nền tảng số hoá. 

Quả thực, đại dịch bùng phát lần thứ hai đã để lại cho xã hội nhiều bài học cùng nhiều câu hỏi hóc búa. Điều rõ ràng nhất có thể thấy ngay chính là chúng ta không thể ngừng lơ là trước công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; bởi chỉ một sơ sót nhỏ có thể “đóng băng” toàn bộ nỗ lực của cả đất nước. 

Mặt khác, TP Đà Nẵng hiện phải chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bị “thiên nga đen” hoành hành nhưng với những kinh nghiệm phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch bệnh, chúng ta có thể hy vọng Đà Nẵng sẽ một lần nữa “thắp sáng” du lịch và các ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn.

Đọc thêm