Bán hàng online thể nào là hợp pháp?

Với sự phát triển của internet, việc bán hàng online (bán hàng qua mạng, bán hàng trực tuyến) ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh bằng hình thức này. Đối với người tiêu dùng, mua hàng online giúp họ có nhiều lựa chọn, giao dịch nhanh chóng, tiện lợi và giá cả phù hợp…

Với sự phát triển của internet, việc bán hàng online (bán hàng qua mạng, bán hàng trực tuyến) ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh bằng hình thức này. Đối với người tiêu dùng, mua hàng online giúp họ có nhiều lựa chọn, giao dịch nhanh chóng, tiện lợi và giá cả phù hợp…

Hình minh họa
Hình minh họa

 Bán hàng online phải đăng ký kinh doanh

Để thực hiện kinh doanh đúng luật, bán hàng online cũng như các hoạt động kinh doanh khác, trước hết chủ thể kinh doanh cần phải xem xét mô hình kinh doanh của mình có bắt buộc đăng ký hay không. Theo quy định hiện hành, không bắt buộc đăng ký kinh doanh đối với “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên”.

Còn theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại.

Đối tượng này bao gồm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như: Buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến, đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe… Như vậy, chủ thể thực hiện bán hàng online không thuộc trường hợp cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đăng ký kinh doanh có thể được thực hiện dưới hình thức thành lập doanh nghiệp (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần,…) hoặc đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và các văn bản khác có liên quan.

Nếu thành lập doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh cần đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư; nếu đăng ký hộ kinh doanh thì tiến hành thủ tục đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh quận, huyện.

Thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương

Nếu đã đảm bảo điều kiện về đăng ký kinh doanh, chủ thể kinh doanh có thể tiến hành hoạt động bán hàng online thông qua website bán hàng. Chủ thể kinh doanh có thể tự thiết lập một website thương mại điện tử bán hàng hoặc cũng có thể sử dụng website của đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình, chẳng hạn như sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử.

Điều kiện để thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là phải có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet; phải thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định.

Ngoài ra, điều kiện đối với tổ chức thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là tổ chức đó phải là thương nhân hoặc tổ chức mà trong chức năng, nhiệm vụ có bao gồm việc tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động thương mại điện tử.

Đối với cá nhân thì cá nhân đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân mới được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (Điều 52 Nghị định 52/2013). Trong trường hợp sử dụng dịch vụ của sàn giao dịch thương mại điện tử, cần phải lưu ý rằng sàn giao dịch điện tử đó phải được đăng ký với Bộ Công thương.

Trình tự, thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng và đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được thực hiện trực tuyến qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư 12/2013/TT-BCT.

 Website bán hàng online và những thông tin bắt buộc

Website thương mại điện tử bán hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin về người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản của hợp đồng mua bán áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website.

Thông tin phải đảm bảo rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu; được sắp xếp tại các mục tương ứng trên website và có thể truy cập bằng phương pháp trực tuyến;có khả năng lưu trữ, in và hiển thị được về sau; được hiển thị rõ đối với khách hàng trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị mua hàng, giao kết hợp đồng.

Thông tin tối thiểu về chủ sở hữu website phải được công bố trên trang chủ website bao gồm: Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế thu nhập cá nhân của cá nhân;số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.

Thông tin về giá hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu có, phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu thông tin giá hàng hóa hoặc dịch vụ niêm yết trên website không thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác thì giá này được hiểu là đã bao gồm mọi chi phí liên quan vừa nêu.

Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website.

Các điều kiện giao dịch chung phải có màu chữ tương phản với màu nền của phần website đăng các điều kiện giao dịch chung đó và ngôn ngữ thể hiện điều kiện giao dịch chung phải bao gồm tiếng Việt. Trong trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng.

Ngoài ra, website thương mại điện tử bán hàng phải công bố thông tin về về điều kiện vận chuyển và giao nhận áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website; thông tin về phương thức thanh toán.

Kiểm tra tính pháp lý của website bán hàng online

Đối với chủ thể kinh doanh thực hiện hoạt động bán hàng online cần phải thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể là một số quy định nêu trên về đăng ký kinh doanh; thông báo, đăng ký website bán hàng; công bố thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định để đảm bảo tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của mình; đồng thời tạo dựng niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng mua hàng trực tuyến, dựa trên các quy định nêu trên, có thể kiểm tra tính pháp lý của website bán hàng online trước khi tiến hành lựa chọn, giao dịch.

Người tiêu dùng có thể truy cập Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn để kiểm tra một website bán hàng đã được thông báo hay đăng ký hợp lệ hay chưa; kiểm tra website bán hàng đó đã công bố thông tin đúng luật hay chưa, tránh các trường hợp bị lừa đảo do mua hàng trực tuyến thời gian qua.

Ngoài ra, qua cổng thông tin này, người tiêu dùng còn có thể phản ánh các vi phạm của các website thương mại điện tử để làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Kiều Anh Vũ ( VPLS Lê Nguyễn)

Đọc thêm