Ban hành Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2020

(PLVN) -Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ký Quyết định số 931/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2020.

Nhằm chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách, pháp luật, các lĩnh vực quản lý nhà nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2020; kịp thời định hướng, phản hồi thông tin báo chí nhất là những vấn đề được dư luận quan tâm; phát huy và nâng cao trách nhiệm, vai trò chủ động của các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tư pháp địa phương trong thực hiện công tác truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của Bộ, ngành, ngày 29/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 931/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2020.

Theo đó, Kế hoạch đã xác định 10 nội dung trọng tâm của Bộ Tư pháp cần tập trung truyền thông trong năm 2020, cụ thể như sau:

1. Công tác xây dựng pháp luật, trong đó chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sau khi được Quốc hội thông qua...

2. Công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ thực hiện được dư luận quan tâm; công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp. 

3. Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tình hình kết quả kiểm tra rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kết quả pháp điển hoá đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để sử dụng.

4. Hoạt động và kết quả nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, trong đó chú trọng truyền thông về những cách làm tốt, mô hình hay góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

5. Công tác Thi hành án dân sự: tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2020, tình hình giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng...

6. Kết quả thực hiện việc cải thiện, nâng cao xếp hạng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10) và chỉ số tuân thủ pháp luật (B1); chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của Bộ Tư pháp, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của Bộ Tư pháp.

7. Việc hiện đại hoá hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, tăng số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4 để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

8. Các hoạt động thông tin đối ngoại nhằm tăng cường sự hiểu biết và tạo dựng hình ảnh Bộ, ngành Tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, năng động, sáng tạo, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, tập trung vào hoạt động thông tin đối ngoại với Lào và Campuchia trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp để triển khai thực hiện các Đề án của Chính phủ tăng cường công tác thông tin đối ngoại với Lào và Campuchia; Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương...

9. Những thành tựu và kết quả đạt được trong quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp và các sự kiện, hoạt động lớn của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2020.

10. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong Bộ, ngành Tư pháp và thông tin rộng rãi đến người dân và xã hội những vấn đề pháp lý liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

Để công tác truyền thông đạt chất lượng, hiệu quả, Kế hoạch xác định 08 giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện, bao gồm: (i) Xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của các đơn vị trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (ii) Lựa chọn, nội dung hình thức truyền thông phù hợp, đa dạng, phong phú; (iii) Chủ động lập kế hoạch, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ truyền thông cụ thể; kết hợp ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án dự án, khuyến khích nguồn kinh phí huy động hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; (iv) Phát huy tối đa vai trò của các đơn vị báo chí, xuất bản thuộc Bộ để phục vụ công tác truyền thông của Bộ, ngành trong nghiên cứu, tham mưu xây dựng các sản phẩm truyền thông mang tính thường xuyên, định kỳ, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân và xã hội về các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (v) Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đặc biệt là cơ quan báo chí lớn; thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 2828/BTP-ĐTHVN-ĐTNVN ngày 11/8/2017 về phối hợp thông tin, truyền thông về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2017 – 2021 giữa Bộ Tư pháp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; nghiên cứu xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp với các cơ quan báo chí khác để thiết lập cơ chế thông tin, truyền thông toàn diện, đa chiều giữa các bên; (vi) Phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (vii) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu lựa chọn, áp dụng đa dạng các phương pháp, công cụ, kênh, nền tảng truyền thông, từ truyền thống đến hiện đại để đảm bảo hiệu ứng truyền thông tốt nhất; xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông nhằm tập hợp và lưu trữ khoa học các thông tin và dữ liệu truyền thông để khai thác và sử dụng khi cần; (viii) Nghiên cứu thành lập Tổ công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Về tổ chức thực hiện, Văn phòng Bộ là đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch (có Danh mục nhiệm vụ kèm theo).

Kinh phí tổ chức thực hiện Kế hoạch được bố trí lồng ghép trong dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao cho đơn vị năm 2020; khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí huy động hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ theo phân công. 

Đọc thêm