Ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật: Chặt chẽ, nghiêm túc để không bị “điểm trừ”

(PLO) -Ngưng hiệu lực ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ, “đính chính” quy định “hạn chế” một số loại giấy tờ khi làm thủ tục lên máy bay tuyến nội địa, kiểm tra lại việc thực hiện dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội…
 
Vỉa hè Hà Nội bị nứt vỡ sau gần một năm lát đá tự nhiên có độ bền 70 năm
Vỉa hè Hà Nội bị nứt vỡ sau gần một năm lát đá tự nhiên có độ bền 70 năm

Đó là những động thái cho thấy việc thực hiện trách nhiệm phản ứng chính sách mang tính tích cực của các cơ quan chức năng trước phản ánh của dư luận tuần qua, cho dù đằng sau đó vẫn phảng phất những “chuyện buồn” về việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật.

Dư luận “dậy sóng” vì quy định pháp luật…

Quy định tại Thông tư 45/2017/TT-BGTVT (ngày 27/11/2017) sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2016/TT-BGTVT về chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam quy định, từ ngày 15/1/2018, hành khách có quốc tịch Việt Nam từ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi máy bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ bị dư luận phản đối khi “loại” một số loại giấy tờ cũng giá trị tương đương thay giấy tờ nhân thân bắt buộc theo quy định, gồm thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe môtô, ôtô, thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay do Việt Nam cấp, thẻ nhận dạng của các hãng hàng không. 

Thậm chí, như đánh giá của ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy pháp luật (Bộ Tư pháp) khi trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam sau khi  kiểm tra theo thẩm quyền, tổ chức họp với Bộ GTVT và báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp về Thông tư 45, “việc Thông tư 45 loại bỏ một số giấy tờ (thẻ nhà báo, giấy phép lái xe…) nhưng lại chấp nhận những giấy tờ khác (như giấy chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; giấy xác nhận nhân thân…) là chưa thống nhất về tiêu chí xác định các loại giấy tờ được chấp nhận, dẫn đến không công bằng và chưa hợp lý”.

Lãnh đạo Bộ GTVT lập tức lên tiếng thừa nhận: “đây chỉ là sai sót trong quá trình làm văn bản của đơn vị trình ký” và đã giao Cục Hàng không soạn thảo văn bản điều chỉnh lại Thông tư 45 để ban hành kịp thời trước khi thông tư này có hiệu lực, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm trong quá trình soạn thảo… Vì vậy,  thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe bị loại ra khỏi danh sách giấy tờ được chấp nhận để làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa. 

Với trách nhiệm của cơ quan “gác cửa” hậu kiểm văn bản quy phạm pháp (VBQPPL), Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã trực tiếp kiến nghị Bộ GTVT xem xét xử lý sai sót trong việc ban hành quy định nêu trên. Cụ thể, Cục đã đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với quy định tại khoản 45 Điều 1 Thông tư 45 theo hướng ban hành Thông tư ngưng hiệu lực (chưa thực hiện) quy định này.

Dư luận chưa kịp lắng xuống trước động thái sửa sai của Bộ GTVT thì lại bùng lên những phản ứng mạnh mẽ trước quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, tại khoản 5 điều 6 Thông tư này hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất.

Bộ TN&MT đã khẳng định, quy định nêu trên của Thông tư 33 giúp bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Quy định cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự (khoản 2 điều 212 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản là tài sản chung của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ).

Nhưng đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, dù quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào sổ đỏ là có cơ sở pháp lý nhằm minh bạch về tài sản nhưng thời gian ban hành và thực hiện quy định quá gấp, chưa đủ điều kiện để thực thi. Vì thế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã phải ký ban hành thông tư quy định ngưng hiệu lực thi hành về việc ghi tên các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất trên sổ đỏ từ 5/12/2017 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của VBQPPL mới quy định về vấn đề này.

“Số phận” 2 thông tư làm dư luận bất bình đã được định đoạt và dư luận có thời gian để chờ kết quả của việc sửa sai, “đính chính” quy định theo hướng đảm bảo tính hợp lý, rõ ràng của quy định pháp luật khi được ban hành. Song việc Thông tư 45 đã qua tất cả các khâu trong quá trình soạn thảo để được “giấy trắng mực đen” ban hành đặt ra nghi vấn về trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân có liên quan, nhất là những người đặt bút ký. 

Theo quy định, thông tư là một trong các loại VBQPPL, có tính bắt buộc thi hành. Nhưng trường hợp như Thông tư 45 thì rõ ràng được ban hành một cách cẩu thả hoặc có chủ ý sửa đổi, nhưng do phản ứng của dư luận nên lập tức trách nhiệm được chuyển cho nhân viên đánh máy vì “lỗi cắt dán văn bản”.

Vậy là câu chuyện chưa thể dừng ở việc sửa đổi, khắc phục sai sót hay “đính chính” quy định pháp luật đã được ban hành (như 2 thông tư nêu trên) vì như tác giả Ngô Đức Hành đã viết trên Báo Pháp luật Việt Nam: “Người dân tự hỏi, Bộ nào cũng có Vụ Pháp chế và phải nói người đứng đầu các Vụ Pháp chế các bộ, ngành hiện nay, không còn ai là không có học hàm tiến sĩ. Tức là trình độ đã rất cao. Sao chất lượng các thông tư luôn có “vấn đề”? Do vậy, đằng sau câu chuyện các thông tư sau khi ban hành không có giá trị, phải đính chính, bổ sung, sửa đổi hoặc hủy đang là câu chuyện đáng buồn của quản lý đất nước. Bao giờ hệ thống VBQPPL luật, trong đó có thông tư được thống nhất và đồng bộ?”

… đến việc thực thi chính sách

Tinh giản biên chế có lẽ là một trong những chính sách điển hình của việc thi hành mang “hiệu quả ngược”, nghĩa là “càng tinh giản, bộ máy càng phình to”. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 được Bộ Chính trị ban hành về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, báo cáo của Ban Tổ chức TƯ cho thấy, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị vượt so với số được giao. Năm 2014, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108 về chính sách tinh giản biên chế để kịp thời phục vụ yêu cầu quản lý và tinh giản biên chế. Đây được coi là một trong những bước tiến tiếp theo trong thực hiện lộ trình chiến lược cải cách hành chính của Chính phủ đến năm 2020. Theo đó, đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị loại khỏi biên chế.

Nhưng theo Báo cáo của Ban Tổ chức TƯ, năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của TƯ giao là 3,72 triệu người. Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là hơn 3,73 triệu người, vượt 8.743 người so với số được giao. Nguyên nhân cơ bản được xác định là “do nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, còn nhầm đối tượng nghỉ hưu. Việc cơ cấu lại bộ máy Chính phủ tinh gọn hơn theo yêu cầu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực chưa xác định đúng chính xác về chức năng, thẩm quyền của từng bộ”.

Với cái vòng luẩn quẩn đó, tinh giản biên chế vẫn đang là một bài toán khó đối với công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính từ TƯ tới địa phương gọn nhẹ, làm việc minh bạch, năng động, hiệu quả, cũng như tiến trình thực hiện cải cách tiền lương đang hết sức “bí bức” hiện nay.

Nhìn ở góc độ nhỏ hơn từ dự án lát lại vỉa hè ở một số quận tại TP Hà Nội cũng cho thấy vai trò của việc thực thi chính sách. Dự án lát đá lại hàng loạt vỉa hè tại nhiều tuyến phố bằng loại đá tự nhiên có độ bền 70 năm đang bị dư luận “dè bỉu” vì hàng loạt vỉa hè được lát mới loại đá này đã bị nứt vỡ sau thời gian ngắn sử dụng. Trước sự việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ về chất lượng công trình, kết quả nghiệm thu công trình... và báo cáo kết quả thanh, kiểm tra về UBND TP trong tháng 12/2017. Bên hành lang Kỳ họp 5, HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội cho biết, Thanh tra TP sẽ triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, nhất là tại các tuyến phố báo chí phản ánh có đá lát bị vỡ nát.

Rõ ràng, chính sách rất hợp lý, rất tiến bộ và rất cần thiết nhưng quá trình thực thi đã khiến giá trị của nhiều chính sách bị trừ điểm trong đánh giá của dư luận. Và khi quy định pháp luật, chính sách bị điểm trừ đồng thời sẽ kéo theo cả uy tín của cơ quan ban hành chính sách, quy định pháp luật nói riêng và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước nói chung. Đó sẽ là cái giá rất đắt trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, vì dân mà chúng ta đang hướng tới, nếu không có giải pháp khắc phục triệt để, kịp thời những “điểm trừ” không đáng có trong quá trình ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật.

Đọc thêm