Bản hùng ca 71 năm bất hủ

(PLO) - Quốc ca - “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, trong 71 năm từ khi ra đời cũng có không ít thăng trầm, chưa kể có những lúc bị “nhăm nhe” thay thế hoặc sửa lời hoặc có người tự nhận là đồng tác giả. Nhưng đến nay, tác phẩm này đã trở thành bài hát của cả dân tộc, một phần hồn không thể thay thế. 
Bản hùng ca 71 năm bất hủ
Hồi ký của tác giả có đoạn: “Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập một đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát... Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy. Và tôi biết họ đang hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ hát được...”.
Nhiệm vụ Cách mạng đầu tiên
Nhạc sĩ Văn Cao (1923 – 1995), tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hải Phòng; quê quán ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.. Ông là người thuộc thế hệ thanh niên ưu tú, giàu lòng yêu nước, được tiếp thu những tinh hoa của văn hoá Đông Tây. Ngay từ những sáng tác trước Cách mạng tháng 8, ông đã được đánh giá là một nhạc sĩ tài hoa thiên bẩm với năng khiếu thơ ca và hội họa độc đáo.
Năm 1942, theo lời rủ của người bạn thân, Văn Cao từ Hải Phòng lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương, làm thơ và viết truyện ngắn gửi đăng báo. Nhưng như ông thừa nhận sau này, những công việc này không giúp ông có thêm thu nhập. 
Cố nhạc sĩ Văn Cao
Cố nhạc sĩ Văn Cao
Hà Nội đang đói, cả nhà ông cũng đang đói khổ. Năm 1944, mẹ ông cùng các em, các cháu dắt díu nhau từ Nam Định ra Hải Phòng, “dọc đường đã để lạc mất đứa cháu gái con anh cả tôi. Nó mới lên 3. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy”. Bản thân Văn Cao cũng chẳng khá gì hơn, năm ấy rét hơn mọi năm, trên căn gác 171 phố Mongrant (nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) ông ngủ với cả quần áo, có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi…
Năm 1944 là năm chuyển biến trong cuộc đời của Văn Cao khi ông gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, tại ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao trong những năm tháng hoạt động tại Hải Phòng và thường xuyên khuyến khích ông sáng tác những bài hát yêu nước như: “Hò kéo gỗ trên sông Bạch Đằng”, “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc”. Ông đã kể lại cuộc gặp của hai người tại một quán cơm trên phố Hàng Lọng (đường Lê Duẩn) vào tháng 10/1944 trong hồi ký: “Câu chuyện của chúng tôi thật hết sức đơn giản.
 - Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?
- Được!
- Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng”. 
Ngày hôm sau Vũ Quý đưa Văn Cao đến nhà một người thợ đóng giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên, dặn “Văn sẽ ăn cơm tháng tại đây, trường hợp đặc biệt thì có thể đến tiệm cơm Văn Phú, người chủ quán đó cũng là một cơ sở của ta”. Vũ Quý tháo đôi giày cho người thợ đánh xi. Hai người ngồi vào một góc bàn uống nước. Vũ Quý giao công tác: “Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những bài hát của Hướng đạo sinh. Khóa  quân chính kháng Nhật sắp mở. Văn hãy soạn một bài hát cho đội quân Cánh mạng của chúng ta”. 
Văn Cao nhìn Vũ Quý ngỡ ngàng, anh đang chờ một công việc khác, anh muốn được hành động… Thấu hiểu nỗi lòng của Văn Cao, Vũ Quý nói: “Mình hiểu rõ khả năng của Văn. Đây chỉ là công việc ban đầu, tuy nhiên cũng vô cùng cần thiết. Đội quân Cách mạng của chúng ta cần có bài hát để động viên tinh thần. Bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân...”.
“Bài hát thật giản dị” cho mọi người cùng hát
Ông cũng kể tiếp trong hồi ký: “Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì đó để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi  đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị làm bài hát. 
Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới khi đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng, những bộ xương khô đét loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một ống sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái, nó khoảng lên ba, tôi ngờ như đã gặp cháu tôi. 
Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ lạc, cũng không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định, Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”.
Trong căn gác hẹp số 171 phố Mongrant, Văn Cao ngồi sáng tác bên cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, “mấy làn cây, và một màn trời xám”, tiếng kêu cứu của gia đình ông vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Hồi ký của tác giả có đoạn: 
“Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập một đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy. Và tôi biết họ đang hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ hát được...”.
71 năm bản hùng ca bất hủ
Mấy ngày sau, gặp lại Vũ Quí, Văn Cao lấy cây đàn ghi ta vừa đệm vừa hát cho anh nghe. Vũ Quí cười hài lòng, da mặt anh đen sạm, đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh: “Mình đã không lầm khi giao công tác cho Văn, Văn hãy chép ngay cho mình một số bản để chuyển lên chiến khu”.
Chiều hôm đó, Vũ Quí chính thức giao nhiệm vụ cho Văn Cao cùng với Nguyễn Đình Thi sang hoạt động bên đảng Dân chủ. Văn Cao chịu trách nhiệm phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, trình bày báo Độc Lập và in tài liệu cho mặt trận Việt Minh. Nguyễn Đình Thi lo phần nội dung của tờ báo. 
Do người thợ viết chữ không viết được nhạc, Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng tự tay viết và in bài “Tiến quân ca” trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập số đầu tiên. Bài “Tiến quân ca” ra đời và đã được chuyển đi khắp mọi nơi trên toàn quốc. 
Sau này tác giả kể: “Ngày nay tôi vẫn không sao nhớ nổi, dù nhớ đủ mọi kỷ niệm, rằng mình đã soạn nhạc bằng phương tiện nào, một cây đàn ghita, một măng đô lin hay một băng giô. Cũng không nhớ tôi đã mượn đàn của ai và ở đâu. Có thể bài “Tiến quân ca” đã soạn trên một chiếc ghi ta Ha-oai chăng? Bởi vì tôi đã quen sáng tác trên cây đàn này từ những năm trước đây...”.
Tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Quốc dân đại hội tại Tân Trào vào trung tuần tháng 8. Nguyễn Đình Thi được Bác giao nhiệm vụ  tham khảo ý kiến các đại biểu, chọn một số bài hát mang lên để Bác chọn làm Quốc ca.
Sáng 16/8, Nguyễn Đình Thi mang lên trình Bác 3 bài hát: “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)- “Chiến sĩ Việt Minh” (Văn Cao) - “Tiến quân ca” (Văn Cao) để Bác chọn. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác nhận xét: “Bài “Diệt Phát xít” của chú Thi rất hay, ngắn gọn dễ hát. Nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi nên không phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Bác rất thích bài “Chiến sĩ Việt Minh”, đặc biệt là đoạn kết:Thề phục quốc/ tiến lên Việt Nam/ Lập quyền dân/Tiến lên Việt Nam/ Đài hạnh phúc, đắp xây tự do/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm. Nhưng bài này dài lại khó hát, nếu lấy làm Quốc ca nhân dân đứng chào cờ sẽ mỏi chân. Theo  Bác bài “Tiến quân ca” của Nhạc sĩ Văn Cao ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ cập. Bác quyết định lấy bài này làm Quốc ca”.
Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, bài “Tiến quân ca” lần đầu tiên vang lên trước đông đảo dân chúng. 
Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19/8//1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng. 
Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Năm 1946, Quốc hội khóa I quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Đến năm 1976, đất nước thống nhất, ca khúc này sau đó tiếp tục được chọn làm quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho tới ngày nay.
Với những cống hiến trọn đời cho nền âm nhạc dân tộc, năm 1993, Văn Cao đựợc Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Theo tâm nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao, tháng 6/2010, gia đình nhạc sĩ đã có thư ngỏ lời hiến tặng tác phẩm này cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước./.