Băn khoăn khả năng Thổ Nhĩ Kỳ 'quét' được IS

(PLO) - Các nhà phân tích bày tỏ nghi ngờ về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể “xóa sổ” nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi Syria sau khi Mỹ rút khỏi chiến trường này.
Nhiều nhà quan sát hoài nghi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể xóa sổ IS sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria
Nhiều nhà quan sát hoài nghi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể xóa sổ IS sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria

Theo AFP, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quyết định rút toàn bộ 2.000 binh lính Mỹ khỏi Syria được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thuyết phục ông rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể loại bỏ những phần tử IS cuối cùng sau khi nhóm cực đoan này đã phải hứng chịu hàng loạt những thất bại trong thời gian gần đây. “Chúng tôi có đủ năng lực để IS tự vô hiệu hóa chúng”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, ông Erdogan đang tự đẩy mình vào thế khó khi tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng tiếp quản nhiệm vụ chống IS ở Syria. “Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có lực lượng ở Syria đủ lớn, đủ kinh nghiệm hay tính hợp pháp để có thể kiểm soát khu vực phía đông Syria. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều tháng và cả sự giúp đỡ của Mỹ mới có thể có được lực lượng đủ mạnh như vậy”, ông Nicholas Heras, một nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, nhận định.

Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria thì cho rằng những khu vực mà IS đang chiếm  giữ hiện ở phía đông và miền trung Syria, cách Thổ Nhĩ Kỳ đến hơn 400km, vì vậy, binh lính của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể đi xa đến vậy. “Quân đội Syria và lực lượng người Shiite ở Iraq sẽ xử lý việc đó sau khi Mỹ rút quân. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn không loại được nhóm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) – nhóm có liên hệ với al-Qaeda, ở biên giới của nước này nên tôi không nghĩ rằng họ có thể loại được IS”, ông Balanche nhận định. Ông Balanche cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất chỉ có thể ngăn chặn sự hồi sinh của IS bằng cách chặn biên giới giữa nước này với Syria ở khu vực al-Bab. 

Bà Lina Khatib – Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Anh – cũng cho rằng ông Erdogan đã trấn an ông Trump về khả năng loại bỏ IS mà không hề có kế hoạch gì. Theo bà Khatib, mục tiêu thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ là tận dụng cơ hội Mỹ rút quân khỏi Syria để nhằm vào các Đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) – lực lượng đã được phía Mỹ huấn luyện để dẫn đầu cuộc chiến chống IS. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn phản đối việc hình thành một thực thể của người Kurd ở sát biên giới nước này vì lo ngại một tổ chức như vậy có thể khiến tham vọng ly khai của nhóm người Kurd thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc YPG là thành viên của Đảng công nhân người Kurd – tổ chức đã bị Ankara xếp vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần kêu gọi Mỹ dừng đào tạo và cung cấp vũ khí cho YPG trong cuộc chiến chống IS.

Trong phát biểu ngày 25/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của YPG ở miền Đông Syria, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ không ngần ngại trong việc loại bỏ lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố này khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả trong trường hợp YPG đạt được thỏa thuận với Syria về việc cùng kiểm soát khu vực biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đọc thêm