Người dân kêu khó…
Tại hội nghị thông tin về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho biết đơn vị đang nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện quy định xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe, sang tên đổi chủ mà không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông cũng đề xuất thảo luận thêm về việc người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. "Việc đăng ký tài khoản ngân hàng sẽ giúp cảnh sát dễ dàng hơn trong xử phạt vi phạm, đồng thời tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần" - Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng lý giải.
Đây cũng không phải lần đầu tiên chủ trương này được đưa ra. Trước đó, năm 2018, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký ô tô, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức phạt “nguội”.
Vào năm 2016, ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, đã đề xuất có quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông. Theo Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, việc mở tài khoản sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông, ý thức của lái xe cao hơn rất nhiều nếu việc vi phạm bị trừ thẳng tiền vào tài khoản.
Đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông một lần nữa lại gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số tài xế cho rằng đề xuất trên hợp lý và thuận tiện cho tài xế. Nếu không may mắc lỗi thì người vi phạm có thể nộp phạt ngay, không phải mất công vòng qua kho bạc, rồi lại vòng về cơ quan chức năng để lấy giấy tờ, rất bất tiện và tốn thời gian.
Tuy nhiên nhiều người tỏ ra băn khoăn: “Bây giờ lại có quy định khi đăng kí xe phải mở tài khoản ngân hàng để nộp phạt nếu vi phạm luật giao thông, tôi thấy khá là vô lý vì nó chẳng khác gì việc đóng tiền phạt trước. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác ở quê đã quen sử dụng tiền mặt rồi, lại thêm việc không hiểu biết về các giao dịch qua thẻ nên sẽ rất rắc rối”, bà Nguyễn Thị Năm (Quốc Oai, Hà Nội) nói.
Tương tự, một chủ đơn vị kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái ở Phủ Lý, Hà Nam băn khoăn: “Nếu đề xuất này đi vào thực tế thì những người cho thuê xe như chúng tôi sẽ là người chịu thiệt hại nhiều nhất, bởi nhiều trường hợp khách hàng lái xe gây nên lỗi vi phạm, trong khi đó, người sở hữu đăng kí xe lại là người khác. Như vậy chưa chắc sẽ xử phạt đúng người đúng tội”.
Liệu có khả thi?
Ở nhiều quốc gia phát triển hình thức thanh toán không tiền mặt thì việc nộp phạt vi phạm giao thông theo hình thức trực tuyến hoặc qua thẻ ngân hàng là chuyện không hiếm gặp. Tuy nhiên, các giao dịch này do người vi phạm tự thực hiện, cơ quan chức năng không thể tự trừ tiền trong thẻ. Nếu người vi phạm nộp muộn, cơ quan quản lý sẽ có các hình thức nhắc nhở và tăng nặng hình phạt.
Đơn cử như tại một số quận ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), người dân có thể thanh toán tiền phạt vi phạm giao thông bằng cách sử dụng hai ứng dụng Alipay và WeChat Pay để quét mã QR trên vé phạt. Hay tại Singapore cũng có lựa chọn nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua thẻ ngân hàng hoặc một số hình thức trực tuyến nhưng chỉ áp dụng với các vi phạm nhẹ, được thông báo rõ trên phiếu phạt.
Quay lại với đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) đã phân tích vấn đề này với truyền thông: “Thứ nhất, không có căn cứ hay quy định nào của ngành giao thông và cả hệ thống pháp luật hiện hành buộc người đăng kí xe hay vi phạm giao thông phải có tài khoản bảo đảm. Hơn nữa ở Việt Nam, tỷ lệ thanh toán điện tử, giao dịch qua tài khoản hiện nay vẫn rất thấp. Còn ở góc độ xử phạt hành chính, tôi vi phạm thì anh cứ phạt, còn việc chấp hành, nộp phạt thế nào là quyền của tôi”.
Luật sư Tú nhấn mạnh, nếu mở tài khoản thì chắc chắn phải có một số tiền tương ứng với mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực giao thông đường bộ (hiện là 18 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn). “Như vậy, tài khoản của tôi “chôn chân” một chỗ, trong khi đó gia đình còn nhiều việc phải làm như ốm đau, đi viện cần tiền mà không có vì 18 triệu đồng trong tài khoản không thể lấy ra tiêu, đó là điều vô lý. Thậm chí, việc này có dấu hiệu vi phạm quyền công dân” - luật sư nhận định.
Về việc thay vì bắt mở tài khoản ngân hàng, chủ xe phải có tài khoản giao thông, cứ vi phạm là bị trừ tiền như một số ý kiến, luật sư Tú cho rằng không có cơ chế nào cho phép triển khai việc này, vì nó vướng cả về mặt pháp luật lẫn thực tiễn đời sống, không phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của chúng ta hiện nay.
Có thể nói, đây mới là “định hướng cho tương lai”, là đề xuất để xin ý kiến, chưa phải là bổ sung để áp dụng ngay, thế nhưng nếu nói về tính khả thi thì vẫn là một dấu hỏi lớn. Và để đề xuất này thành hiện thực, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, các văn bản có liên quan, cũng như chế tài buộc người vi phạm phải đến cơ quan chức năng chấp hành quyết định xử phạt.