Băn khoăn trước thời điểm Luật bảo vệ người tiêu dùng thực thi

Ngày 1/7, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, các bản hợp đồng mẫu do doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn sẵn sẽ không có giá trị pháp lý nếu chưa được đăng ký. Tuy nhiên, đăng ký vào thời điểm nào lại là chuyện chưa ngã ngũ.

Bấy lâu nay người tiêu dùng vẫn phải đặt bút ký vào những bản hợp đồng do doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn sẵn với nhiều điều khoản thường khi rất bất công. Ngày 1/7, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, các bản hợp đồng mẫu đó sẽ không có giá trị pháp lý nếu chưa được đăng ký. Tuy nhiên, đăng ký vào thời điểm nào lại là chuyện chưa ngã ngũ.

Theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, bộ này sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký hợp đồng (HĐ) theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp HĐ theo mẫu và điều kiện giao dịch chung áp dụng trên phạm vi cả nước hoặc áp dụng trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên.

Còn UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký HĐ theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp HĐ theo mẫu và điều kiện giao dịch chung áp dụng trong phạm vi tỉnh mình.

Chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký ra thông báo về việc chấp nhận đăng ký HĐ theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và gửi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền không trả lời thì việc đăng ký HĐ theo mẫu và điều kiện giao dịch chung được coi là đã hoàn thành.

Theo bà Đinh Thị Kim Anh, Trưởng ban Pháp chế MaritimeBank, việc quy định “hết thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền không trả lời thì việc đăng ký HĐ theo mẫu và điều kiện giao dịch chung được coi là đã hoàn thành” như dự thảo là gây khó khăn cho người tiêu dùng (NTD) để nhận biết được HĐ mẫu nào đã được đăng ký trước khi tham gia ký kết HĐ. Hơn nữa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng không có cơ sở để chứng minh cho NTD trong trường hợp này.

Bà Kim Anh cũng cho rằng, thời hạn 20 ngày xác nhận việc đăng ký HĐ mẫu là không hợp lý, đề nghị rút ngắn để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Theo điểm b, khoản 1, Điều 9 Dự thảo Nghị định, HĐ mẫu phải đăng ký được hiểu là “dự thảo” tức là các bên chưa ký kết. Tuy nhiên, tại các nội dung khác của dự thảo thì HĐ mẫu được đăng ký lại được hiểu là HĐ đã được các bên ký kết (khoản 3, Điều 14).

Khá nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về “Thời điểm đăng ký”. Dự thảo không hề có quy định nào về thời điểm tổ chức, cá nhân kinh daonh phải đăng ký HĐ mẫu. “Sau khi sử dụng HĐ mẫu đó hay là muốn đăng ký lúc nào cũng được? Bởi vì từ đó mới phát sinh hậu quả pháp lý của việc đăng ký?”- bà Trần Thị Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đặt vấn đề. Theo bà Quang, cần làm rõ điều này để thúc đẩy việc đăng ký mà không quá lo lắng về vấn đề thời hạn…

Theo quy định tại Điều 14, khi có yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản trong HĐ theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo với NTD để ký lại HĐ.

“Như vậy, có thể hiểu rằng tổ chức, cá nhân KD có thể đăng ký HĐ mẫu bất kỳ thời điểm nào kể cả trước và sau khi ký HĐ? Nếu vậy, sẽ rất bất lợi cho NTD khi phải ký đi ký lại HĐ và quyền lợi không được đảm bảo…”, bà Kim Anh phân tích.

Theo bà Kim Anh, cần cụ thể thời điểm đăng ký HĐ mẫu là trước khi ký kết HĐ với NTD. Một loạt câu hỏi cũng được đặt ra như: Việc đăng ký HĐ mẫu đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có phải là bắt buộc không.? Nếu là bắt buộc thì việc tổ chức, cá nhân kinh doanh không đăng ký HĐ mẫu và yêu cầu NTD phải ký kết thì có chế tài xử lý vi phạm không?. Trường hợp tổ chức kinh doanh và NTD đã ký HĐ nhưng sau đó có thỏa thuận bổ sung, sửa đổi thì có bắt buộc phải đăng ký lại hay không?.

Theo ông Nguyễn Phương Nam Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), ngoài 2 nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Bộ Công Thương cũng đang dự thảo một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục hàng hóa, dịch vụ hàng hóa thiết yếu phải có HĐ riêng. Bộ Công Thương đang gấp rút để các văn bản này kịp ban hành và có hiệu lực vào ngày 1/7 tới, ngày Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực thi hành.

“Nếu chưa yên tâm thì đừng vội ban hành, kẻo ban hành ra lại điều chỉnh rất lộn xộn...”,  ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẩn thiết đề nghị.

Thanh Lan

Đọc thêm