Băn khoăn về việc xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán xăng dầu: Bộ Tài chính lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước ý kiến lo ngại việc yêu cầu các cây xăng xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng gây lãng phí và ách tắc tại các cây xăng, Bộ Tài chính vừa chính thức có ý kiến.
Theo Bộ Tài chính, lập hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng là quy định bắt buộc. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Tài chính, lập hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng là quy định bắt buộc. (Ảnh minh họa)

Quy định bắt buộc

Bộ Tài chính cho biết, theo khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Việc lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (BLXD) được quy định tại điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải bảo đảm lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”.

Khoản 9 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định các DN kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về HĐĐT theo quy định của Luật QLT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan Thuế (CQT).

“Như vậy, quy định các DN kinh doanh xăng dầu phải thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đã được quy định cụ thể tại Luật QLT số 38/2019/QH14, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 80/2023/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu…” - đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Không gây ách tắc tại các cây xăng

Về băn khoăn việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán có thể gây ách tắc tại các cây xăng, Bộ Tài chính dẫn điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trong đó quy định: “Đối với HĐĐT bán xăng đầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng”.

Điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về việc chuyển dữ liệu HĐĐT đã lập đến CQT như sau: “Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT này ngay trong ngày”.

“Căn cứ quy định nêu trên, đối với các khách hàng lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập HĐĐT với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn, tuy nhiên, việc xuất HĐĐT đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua)…” - Bộ Tài chính giải thích.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc lập HĐĐT là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng HĐĐT đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

“Do đó, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn bảo đảm DN tuân thủ đúng quy định và HĐĐT được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Thực tế thực hiện tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho thấy việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được HĐĐT về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu. Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), hệ thống ứng dụng phát hành HĐĐT của DN tự động xử lý, phát hành hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về CQT theo bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT từng mặt hàng bán trong ngày. Việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng được Tập đoàn thực hiện từ ngày 01/7/2023 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo triển khai quyết liệt

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, hiện mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh thực hiện việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng BLXD trên cả nước.

Ngày 4/12/2023, Bộ Tài chính đã có Công văn 13348/BTC-TCT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai HĐĐT đối với lĩnh vực kinh doanh BLXD, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…

Tương tự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành vừa có Công văn 5468/TCT-DNL yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt đầy đủ, kịp thời tới từng lãnh đạo, cán bộ, công chức (CBCC) trong đơn vị về quan điểm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính để nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm tổ chức, cá nhân của CBCC tại đơn vị trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ tại Luật QLT số 38/2019/QH14, đặc biệt là quy định về lập HĐĐT sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh BLXD theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện…

Các Cục Thuế rà soát, chấn chỉnh công tác QLT đối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh BLXD trên địa bàn, triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả để tăng cường quản lý thu bảo đảm thu đúng, thu đủ; đẩy mạnh các giải pháp chống gian lận, thất thu thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập các tổ liên ngành triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng BLXD, lập kế hoạch cụ thể, triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh BLXD lập HĐĐT sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh BLXD.

Đọc thêm