Bàn tay vàng thêu bức tranh kỷ lục

“Nghệ nhân tranh thêu dân gian”, “Người thơ trong các mũi thêu”, “Người xuất khẩu Thiền Việt”... đó là số ít trong hàng trăm danh hiệu khác nhau mà người ta phong tặng cho ông Lê Văn Kinh. Danh tiếng ông càng nổi hơn khi ngày 30/10/2011, ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục - nghệ nhân thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư bằng nhiều ngôn ngữ nhất, với 18 thứ tiếng…

“Nghệ nhân tranh thêu dân gian”, “Người thơ trong các mũi thêu”, “Người xuất khẩu Thiền Việt”... đó là số ít trong hàng trăm danh hiệu khác nhau mà người ta phong tặng cho ông Lê Văn Kinh - chủ hiệu thêu Đức Thành ngụ tại số 82 đường Phan Đăng Lưu (TP Huế). Danh tiếng ông càng nổi hơn khi  ngày 30/10/2011, ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục - nghệ nhân thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư bằng nhiều ngôn ngữ nhất, với 18 thứ tiếng…

Nghệ nhân Lê Văn Kinh và tấm bằng xác nhận kỷ lục
Nghệ nhân Lê Văn Kinh và tấm bằng xác nhận kỷ lục

Trăn trở với nghề

Lọt thỏm giữa khu phố sầm uất của trung tâm TP.Huế, nhưng hiệu thêu Đức Thành lại được du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, thưởng lãm ngày mỗi đông. Họ đến, không chỉ xem những bức tranh được thêu tinh xảo, đường nét công phu về phong cảnh, đất nước con người, mà còn để được nhìn tận mắt bộ tranh thêu độc đáo được ông Kinh ròng rã thêu trong hơn 10 năm trời. Đó là bộ tranh thêu bài thơ  “Cáo tật thị chúng” của vị thiền sư dưới triều nhà Lý gần 1000 năm trước.

Đầu năm 2000, có một đoàn khách quốc tế đến tham quan phòng tranh của ông. Một vị khách người Đức nói: “Tôi đã đi rất nhiều nơi, xem rất nhiều tranh về Việt  Nam và biết đất nước  ông có rất nhiều bài thơ hay nhưng tôi chưa thấy trên các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thêu các bài thơ này, vậy ông có ý định làm không”?.

Lúc đó, vì chưa tìm được bản dịch vừa ý nên ông Kinh vội nói, có ý định thêu bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trưng Kế, đời nhà Đường bên Trung Quốc. Vừa nói dứt câu, vị khách vặn hỏi: “Tại sao Việt Nam có nhiều bài thơ hay ông không thêu mà thêu thơ Trung Quốc”? Từ câu hỏi của vị khách ấy, ông tâm niệm phải tìm cho được bài thơ hay để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Bức tranh thêu tay đầu tiên của ông là câu thơ “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Rồi suốt thời gian dài sau đó, ông lần giở nhiều bộ sách quý và bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư đã đến với ông như tiền định. Bởi theo ông, bài thơ này ẩn chứa triết lý nhân văn về đạo làm người trong kiếp luân hồi của giáo lý đạo Phật. Bài thơ hay ở chỗ diễn tả mùa xuân tuần hoàn qua lại, xuân đi rồi xuân lại đến, hoa rụng hoa nở theo thời gian!

Xuân trỗi, trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Bức tranh thêu đầu tiên, ông Kinh dựa vào bản dịch của  Tản Đà, thêu trên nền lụa tơ tằm bằng chỉ đen màu đậm và nhạt. Thêu xong, ông cảm thấy nét chữ còn mộc mạc, chưa toát lên cái “hồn” trong bức tranh và ông bắt đầu chuyển sang thêu bản dịch của Ngô Tất Tố với lối viết thư pháp, bay bướm, tự nhiên hơn. Theo ông, bản dịch của Tản Đà chỉ mới “thoát nghĩa” còn với Ngô Tất Tố thì dịch “sát nghĩa” hơn.

Một số bức thêu bằng các thứ tiếng của nghệ nhân Kinh
Một số bức thêu bằng các thứ tiếng của nghệ nhân Kinh Một số bức thêu bằng các thứ tiếng của nghệ nhân Kinh Một số bức thêu bằng các thứ tiếng của nghệ nhân Kinh
Một số bức thêu bằng các thứ tiếng của nghệ nhân Kinh

Thiền Việt ra thế giới

Một ngày giữa năm 2002, một vị khách cũng là người Đức ghé phòng tranh của ông và nói: “Tôi thấy thắng cảnh Việt Nam rất đẹp nhưng tôi chỉ thu nhỏ nó trong chiếc máy ảnh; riêng về văn hóa Việt Nam thì tôi phải mua. Tôi đến đây muốn mua một bức tranh về văn hóa Việt Nam, ông có thể chọn cho tôi một bức tranh đạt trình độ cao đó”.

Không chút chần chừ, ông Kinh chỉ vào bức tranh thêu bài thơ của Mãn Giác thiền sư, giải thích ý nghĩa của bài thơ cũng như về vị Thiền sư khi làm bài thơ này đã trải lòng mình thanh thoát, nhẹ nhàng trước khi viên tịch. Ngay sau đó, vị khách đồng ý mua bức tranh và hứa với ông khi về nước sẽ dịch bài thơ này ra tiếng Đức để tặng ông.

Liên tiếp sau đó, rất nhiều đoàn khách quốc tế ghé hãng thêu của ông để tìm hiểu, mua tranh. Điều may mắn đối với ông là khi khách mua xong tranh, họ đều hứa sẽ dịch bài thơ này ra tiếng nước họ để tặng ông thêu tiếp những ngôn ngữ khác. Cứ như thế, đến  cuối tháng 10/2011, ông đã thêu 21 bức tranh với 18 thứ tiếng gồm Việt, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, Hunggari, Ba Lan, Nga, Lào, Thái Lan, Campuchia, Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc, Do Thái. Lý giải vì sao có 21 bức, ông Kinh cho hay là những nước Hàn Quốc, Nhật Bản... vì có tiếng thổ ngữ nên số bức tranh nhiều lên như vậy.

Ông Kinh thổ lộ, việc chọn bài thơ “Cáo tật thị chúng” để thêu giới thiệu với bạn bè quốc tế không chỉ nói lên nét tinh tế từ đường kim mũi chỉ của người thợ  thêu mà còn thể hiện cái tầm của nền văn học, thiền học Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.

Nối tinh hoa hồn Việt

Với nghệ nhân Lê Văn Kinh, việc được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận người đầu tiên thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” ra 18 ngôn ngữ khác nhau chưa phải là “điểm dừng” mà ông sẽ thêu tiếp 7 bức tranh cho đủ bộ gồm 25 bức. Tác giả bài thơ “Cáo tật thị chúng” vốn là một nhà sư theo đạo Phật nên tâm niệm của ông Kinh là với các nước có đông dân chúng theo đạo Phật như Ấn Độ, Mianma, Pakistan...cũng sẽ có tranh thêu bằng tiếng các nước này này trong năm 2012.

Bài thơ nói về thiền, về đạo Phật thì các tác phẩm của ông không thể xa lạ với các trung tâm Phật giáo lớn. Nghệ nhân Lê Văn Kinh cũng cho hay gần đây, nhà sư Thích Thiện Chánh, một tu sĩ Huế đang du học tại Ấn Độ khi ghé thăm phòng tranh của ông đã hứa sẽ nhờ các vị tu sĩ đồng môn dịch bài thơ ra các thứ tiếng mà ông còn thiếu.

Các bức tranh thêu độc đáo của nghệ nhân Lê Văn Kinh không còn đơn thuần là sản phẩm nữa mà thực sự là tác phẩm nghệ thuật lưu giữ truyền thống, nối tiếp tinh hoa hồn Việt cho mai sau….

Quang Tám

Đọc thêm