Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.
Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)

Văn học Việt là “mỏ vàng” màu mỡ của nhạc kịch

Nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” là dự án tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ của nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Cầm, nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng và đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh.

Nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng bày tỏ: “Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo rất ý nghĩa ở chỗ nó tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người: nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người. Việc chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong vở diễn “Chúng ta muốn làm người bình thường” thực ra đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người”.

“Giấc mơ Chí Phèo” do các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện. Với tinh thần trẻ trung, tươi mới, những bài hát/trích đoạn được các nghệ sĩ thể hiện chất lượng cùng khả năng trình diễn gây nhiều bất ngờ, có tính đột phá. Đó là sự góp mặt của giọng ca nội lực, tình cảm như Đông Hùng (vai Chí Phèo) hay sự phát hiện mới mẻ giọng ca Hoàng Thái Phương (con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền) trong vai Thị Nở.

Văn học Việt là mỏ vàng màu mỡ của nhạc kịch. (Ảnh: NHTL)

Văn học Việt là mỏ vàng màu mỡ của nhạc kịch. (Ảnh: NHTL)

Theo nhà sản xuất Dương Cầm, chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu.

Nhưng với loại hình nhạc kịch thì quả thực văn học là một “mỏ vàng” màu mỡ. Trên thế giới các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến những tác phẩm như: Những người khốn khổ (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo và vở nhạc kịch broadway cùng tên, Dreamgrils, Nữ bá tước Mariza (Grafin Mariza),…

NSND Tấn Minh kỳ vọng rằng “Giấc mơ Chí Phèo” sẽ là một sự khẳng định của thương hiệu nhạc kịch “made in Vietnam” không chỉ với khán giả trong nước mà còn “rộng cánh vươn xa” về giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới. Dự kiến, vở nhạc kịch sẽ chính thức được công diễn vào tối ngày 23/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Trước đó, “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt được công diễn Nhà hát Lớn (Hà Nội) lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của nữ thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh. “Sóng” do NSƯT Cao Ngọc Ánh làm Tổng đạo diễn. Ca khúc “Thuyền và biển” là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch. 10 bài thơ của Xuân Quỳnh được “âm nhạc hóa” như: “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”... để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh. Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng “Sóng” là vở nhạc kịch mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt.

Biên đạo múa Tuyết Minh cũng đã hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch Việt bằng việc thực hiện một số tác phẩm nhạc kịch như “Người cầm lái” về hình tượng Bác Hồ, nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam và nhạc cổ điển... Tuyết Minh cũng mang giấc mơ làm những vở nhạc kịch “made in Vietnam” để tiếp cận khán giả Việt, qua đó mang tinh hoa của âm nhạc truyền thống Việt lên sân khấu.

Vở nhạc kịch Sóng. (Ảnh: NHTT)

Vở nhạc kịch Sóng. (Ảnh: NHTT)

Nhạc kịch kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay vẫn luôn luôn là một loại hình nghệ thuật cao cấp. Có lẽ vì lý do đó, nhạc kịch tại Việt Nam kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên đến nay đã gần 60 năm cũng vẫn còn là khái niệm mới.

Vở nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu sự xuất hiện của nhạc kịch Việt Nam là vở “Cô Sao” do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. “Cô Sao” được công diễn tại Thủ đô Hà Nội nhân dịp 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam (1965) với hơn 150 nhạc công, diễn viên. Đến nay, “Cô Sao” đã 57 tuổi, nhưng vở nhạc kịch quy mô này chỉ mới biểu diễn sân khấu vài lần ít ỏi. Rất lâu sau khi “Cô Sao” ra mắt, công chúng Việt mới có thêm cơ hội để thưởng thức những vở nhạc kịch khác.

Chục năm trở lại đây, với nỗ lực, tâm huyết đem đến khán giả Việt những vở nhạc kịch, vũ kịch, balet danh tiếng quốc tế và thuần Việt của những nghệ sĩ, các nhà hát trong Nam, ngoài Bắc đã công diễn nhiều vở nhạc kịch đặc sắc. Có thể kể tới, “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “High School Musical & Chicago”, “Cây sáo thần”, “Chuyện chàng dũng sĩ”, “Cuộc sống Paris”, “Cô bé bán diêm”, “Những người khốn khổ”, “Bầy chim thiên nga”, “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng”, “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Tấm Cám” và “Trót yêu”, “Tôi đọc báo sáng nay”, “Trại hoa vàng”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Hà Nội xưa và nay”, “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa vời”…

Nỗ lực của các nghệ sĩ

Một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Nhạc kịch ngoài đòi hỏi một diễn viên phải hóa thân vào nhân vật một cách trơn tru và phải mang lại cảm xúc thực sự cho khán giả, thì người diễn viên ấy còn phải biết hát, biết nhảy múa, hình thể đẹp, như vậy mới có thể là một diễn viên nhạc kịch đúng chuẩn. Ngoài ra, nếu tham gia một vở nhạc kịch nước ngoài, diễn viên còn phải có khả năng ngoại ngữ tốt để hát hoặc thoại. Ðó là thực tế mà khi dựng nhạc kịch nhiều đạo diễn đã “kêu trời” vì tìm diễn viên cho các vai diễn như “mò kim đáy biển”.

Ngoài ra, nhạc kịch rất chú trọng phần nhạc thế nhưng chi phí để mời những nhạc sĩ tên tuổi sáng tác vẫn còn quá lớn, trong khi việc sáng tác những bản nhạc cho một vở nhạc kịch không hề đơn giản. Hơn nữa, còn những khó khăn khác cho nhà đầu tư nhạc kịch như: tiền bản quyền cao, chi phí trang thiết bị, nhân lực…

Tuy nhạc kịch chưa mấy quen thuộc với khán giả, nhưng nhiều nghệ sĩ thấy được tiềm năng phát triển loại hình nghệ thuật đẳng cấp này tương lai gần. Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy là người từng dàn dựng phiên bản chuyển ngữ của các vở nhạc kịch kinh điển của thế giới, đồng thời theo đuổi nhạc kịch thuần Việt cũng có cái nhìn lạc quan. Đạo diễn cho rằng: “Nhạc kịch không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera. Nó hoàn toàn có thể “ăn khách” tại Việt Nam bởi tính giải trí cao. Và sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong thời gian qua cho thấy nhạc kịch có thể phát triển và “sống khỏe” tại Việt Nam, nếu đi đúng hướng và khai thác đúng cách”.

Vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo. (Ảnh: NHTL)

Vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo. (Ảnh: NHTL)

Theo PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc kịch hay ở chỗ có âm nhạc - phương tiện truyền tải tình cảm đến khán giả một cách tốt nhất. “Những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta đã có nhạc kịch thuần Việt, làm theo khuôn mẫu của quốc tế, mang tính kinh điển, hàn lâm, đó là vở “Cô Sao”. Dần dần nhạc kịch được biến thể, thành phong trào ca kịch, trong đó có hát, múa, nói, diễn xuất giao lưu. Cấu trúc nhẹ nhàng hơn về mặt diễn viên, lực lượng, biểu diễn, dàn nhạc. Đến nay chúng ta vừa Việt Nam hoá, vừa quốc tế hoá nhạc kịch, trở thành một ca kịch dễ tiếp cận với khán giả hơn”, ông Quân khẳng định.

Với tâm huyết của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn và các nhà văn hóa, mong rằng, những vở nhạc kịch mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam sẽ thu hút nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật. Nhạc kịch sẽ nhanh chóng có chỗ đứng xứng đáng và bền vững trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt và lan tỏa với khán giả yêu nghệ thuật trên thế giới.

Nhạc kịch là một loại hình sân khấu rất được yêu thích và ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Âu, trong đó phổ biến nhất là tại Vương quốc Anh. Tại Việt Nam, không có nhiều người biết và hiểu về nhạc kịch, thậm chí còn nhầm lẫn loại hình nghệ thuật này với opera, nhạc giao hưởng… Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó có sự kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung của nhạc kịch có cả bi và hài. Thông qua ngôn ngữ là âm nhạc, cùng với sự biểu cảm trong diễn xuất và nhảy múa tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh.