Bán thuốc kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”

Đó là thực tế đau lòng mà chúng ta vẫn thường chứng kiến tại không ít nhà thuốc tư nhân. Để kiếm lời, thậm chí thu được lợi nhuận rất cao, họ đã phớt lờ các quy định của pháp luật và bất chấp cả tính mạng của người bệnh.

Đó là thực tế đau lòng mà chúng ta vẫn thường chứng kiến tại không ít nhà thuốc tư nhân. Để kiếm lời, thậm chí thu được lợi nhuận rất cao, họ đã phớt lờ các quy định của pháp luật và bất chấp cả tính mạng của người bệnh.

Giá thuốc mỗi nơi một kiểu

Theo quy định của Luật Dược, các cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, niêm yết giá thuốc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá kê khai. Thế nhưng, bỏ qua mọi quy định của điều luật, các nhà thuốc vẫn thực hiện niêm yết, kê khai giá một cách lung tung.

Có nhà thuốc thì chỉ kê khai, niêm yết một số loại thuốc. Có nhà thuốc chỉ kê niêm yết một số loại thuốc, có nhà thuốc không thèm niêm yết giá để dễ bề trục lợi từ khách hàng. Thế mới dẫn đến tình trạng, mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi giá...

Lực lượng chức năng kiểm tra một nhà thuốc tư nhân.
Lực lượng chức năng kiểm tra một nhà thuốc tư nhân.

Khảo sát của chúng tôi tại một số nhà thuốc cho thấy, giá thuốc tại nhiều cơ sở bán lẻ chênh lệch nhau rất lớn. Chẳng hạn, như viên sủi Plussz tại quầy thuốc Minh Tiến (số 6 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) giá chỉ 21.000 đồng/lọ, nhưng tại một cơ sở trên đường Hoàng Ngọc Phách (quận Đống Đa), chủ nhà thuốc đã tăng lên 24.000 đồng/lọ. Đến một lọ thuốc nhỏ mắt thông thường nhất của cùng một hãng, các cửa hàng cũng hét giá rất khác nhau.

Có lần, đích thân người viết bài này cầm một đơn thuốc đi mua hộ cho người quen. Tại một của hàng thuốc trên phố Láng Hạ, chủ cửa hàng nói thiếu một loại thuốc nhưng để mua được đủ thuốc theo đơn, khách hàng phải bỏ 1,5 triệu bạc. Nhưng khi quay về hiệu thuốc trên phố Định Công, cũng với đơn thuốc này, tôi chỉ phải mua mất gần 900.000 đồng. Thế mới biết, giá thuốc... trên trời và người bệnh sẽ bị chặt chém bất cứ lúc nào.

Chưa hết. một đồng nghiệp của tôi vốn bị bệnh thấp khớp từ nhỏ nên phải thường xuyên dùng thuốc. Vì tiện đường nên chị hay mua thuốc ở một hiệu thuốc gần cơ quan. Một lần quên mua thuốc ở đó nên chị đến hiệu thuốc khác để mua. Và, nhờ có lần “quên” này mà chị phát hiện: Nhà thuốc kia bán thuốc cho chị với các giá quá đắt so với các hiệu thuốc khác.

Cay cú vì bị lừa suốt bấy nhiêu năm nay, đồng nghiệp của tôi đã đến hiệu thuốc và làm toáng lên. Đáp lại sự thất vọng, bực dọc của chị, chủ hiệu thuốc quen ráo hoảnh với lý do: “Thuốc bán cho chị đắt bởi nó bao gồm cả tiền tư vấn trong đó (!)”.

Nhà thuốc vừa kê đơn, tư vấn dùng thuốc vừa bán thuốc

Từ câu chuyện của chị khách hàng trên, chúng ta lại nói đến chuyện tư vấn bán thuốc và sử dụng thuốc. Theo quy định của pháp luật, nhà thuốc khi bán thuốc phải phải tư vấn cho người mua thuốc. Để tư vấn đầy đủ và chính xác cho người mua, người bán thuốc phải được đào tạo bộ môn dược lý. Do đó, chỉ có dược sỹ mới đủ tư cách tư vấn.

Tuy nhiên, trong thực tế, trước tình trạng “sốt” dược sỹ trầm trọng như hiện nay, tìm được dược sỹ để “hợp tác làm ăn” đã khó, nói chi đến việc có dược sỹ đứng bán thuốc và tư vấn cho bệnh nhân. Vậy nên, hiệu thuốc nào không có dược sỹ thì dược tá, thậm chí người đứng bán không hề được đào tạo chút gì về dược cũng tư vấn và bán thuốc cho người bệnh. Và, có một hiện trạng quá đại trà và không kém phần đau lòng vẫn tồn tại bấy lâu nay, đó là: người mua thuốc hoặc người bệnh chủ động, tự ý kế đơn thuốc rồi ra hiệu thuốc mua về sử dụng. Thậm chí, chỉ cần miêu tả các triệu chứng của bệnh với người bán thuốc (không cần biết có bằng cấp hay không), người bán thuốc sẽ “kiêm” cả chân kê đơn thuốc, tư vấn dùng thuốc và bán thuốc.

Tình trạng dược sỹ, dược tá thật giả lẫn lộn đã đáng lo. Càng đáng lo hơn khi một cán bộ thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiết lộ, chất lượng dược tá, rồi người phụ giúp  bán thuốc cũng không mấy bảo đảm. Theo vị cán bộ thanh tra này cho biết, trong quá trình thanh, kiểm tra các nhà thuốc, tình trạng người phụ giúp bán thuốc hiểu biết mù mờ về thuốc, lúng túng trước các câu hỏi trắc nghiệm về dược, thậm chí không đọc, viết được tên thuốc diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng, việc dược sỹ không có mặt ở nhà thuốc tại thời điểm kiểm tra cũng là vẫn là câu chuyện... nói mãi không hết.

Tiếp tục phớt lờ... luật

Hơn ai hết bác sỹ, dược sỹ là những người hiểu rõ lạm dụng thuốc và sử dụng thuốc bừa bãi không chỉ tổn hại về kinh tế mà còn là mối nguy rất lớn đối với sức khỏe của con người. Thế nhưng, bất chấp tất cả, họ vẫn dùng mọi cách chỉ với mục đích moi được tiền của người bệnh càng nhiều càng tốt.

Sinh thời, cố GS. Phạm Song - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế từng rất bức xúc cho biết: “Bình thường, mỗi đơn thuốc chỉ nên kê hai, ba loại thuốc nhưng có bác sỹ kê tới 13, 14, thậm chí 16, 17 loại. Ngoài kháng sinh, thực phẩm chức năng, thuốc bổ cũng được các bác sỹ kê vô tội vạ”.

Không chỉ bác sỹ, chỉ cần ra hiệu thuốc nói cần mua thuốc chữa bệnh viêm họng, bạn sẽ được người bán hàng kê cho hàng chục loại thuốc đủ màu, đủ loại, phân loại rồi buộc sẵn vào các túi (mà không cần tư vấn). Và, giữa mê hồn trận các loại thuốc với hàng ngàn loại khác nhau, bạn chỉ còn biết tin tưởng, nghe theo và đem về dùng đúng theo hướng dẫn... của người bán (?!).

Theo quy định về tiêu chuẩn đạt nhà thuốc thực hành tốt (GPP) mà Bộ Y tế đặt ra đối với 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng) đến hết năm 2010, 100% các nhà thuốc ở các thành phố này phải đạt GPP, nếu không sẽ phải đóng cửa. Thế nhưng, từ ngày quy định được ban hành, gần hai năm đã trôi qua, phần lớn các nhà thuốc đều chưa đạt tiêu chuẩn này.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tại một số nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các nhà thuốc đều rất chật hẹp; có nhà thuốc có nơi rửa tay cho khách, nhưng lại không có điều hòa. Có nhà thuốc thời gian đầu còn chịu khó kê thêm chiếc bàn tư vấn cho khách nhưng chỉ để làm cảnh, một thời gian sau cũng cất đi cho gọn. Còn, các điều kiện bảo quản thuốc tốt thì còn lâu mới có. Khi được hỏi, nhiều chủ nhà thuốc cho biết, chưa sẵn sàng để thực hiện các quy định này. Nhưng, nếu bị thúc ép sẽ cố gắng làm, và kinh phí đầu tư sẽ phải tính vào giá thành dược phẩm. Thế mới biết, các văn bản quy phạm pháp luật của ta, dù không thiếu nhưng thật khó đi vào cuộc sống.

Phải chấn chỉnh lại nhiều mới mong có nhà thuốc tốt!

Hiện, Hà Nội có khoảng gần 2.000 nhà thuốc đã được cấp chứng nhận nhà thuốc GPP. Qua quá trình kiểm tra và hậu kiểm, một số nhà thuốc đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn không ít cơ sở mắc một số lỗi cơ bản như: nhà thuốc không đảm bảo vệ sinh, kích thước quầy thuốc chưa đảm bảo yêu cầu...; nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có cả thuốc tăng lực (Viagra) giả được bày bán lẫn lộn với thuốc thật và được bán với giá “trên trời”; thuốc để lẫn với thực phẩm chức năng; dược sỹ thì vắng mặt không lý do; trình độ dược sỹ, người giúp việc không đạt yêu cầu...

TS.Nguyễn Văn Yên (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội)
TS.Nguyễn Văn Yên (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội)

Trong quá trình thanh, kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế cũng luôn đặt cao thái độ của người bán thuốc, đặc biệt là vấn đề tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc. 

Cụ thể, khi đi kiểm tra để thẩm định và tái thẩm định, để bảo đảm thông tin chính xác và khách quan, có nhiều trường hợp thanh tra Sở phải đóng giả là người mua thuốc để xem thái độ ứng xử và cung cách phục vụ của những người bán thuốc như thế nào bằng các câu hỏi trắc nghiệm, tình huống gặp phải khi bán hàng...

Theo quy định, người đứng tên mở nhà thuốc phải có bằng dược sỹ đại học, người giúp việc thì phải có thẻ bán hàng (tùy từng loại hình). Kể cả có đầy đủ các bằng cấp trên, cơ quan chức năng vẫn phải kiểm tra trình độ thực tế của họ, bởi lẽ trong thực tế vẫn tồn tại tình trạng “liên kết” để mở cửa hàng (cho thuê bằng dược sỹ), dược sỹ, người giúp việc không đạt yêu cầu (thiếu kiến thức về dược phẩm, không nhớ tên thuốc...).

Tóm lại, để vừa có bằng cấp đầy đủ vừa có trình độ chuyên môn là rất khó. Vì thế, Sở Y tế phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các dược sỹ và đội ngũ người giúp việc các kiến thức trong lĩnh vực dược phẩm; tập huấn cho cả cán bộ đi thanh, kiểm tra, thậm chí tập huấn đi tập huấn lại.

Đặc biệt, phải duy trì thường xuyên hoạt động hậu kiểm để chấn chỉnh lại hoạt động của các nhà thuốc trên địa bàn. Về vấn đề giá thuốc, Sở Y tế cũng tiến hành kiểm tra thường xuyên việc kê khai và kê khai lại giá bán thuốc. Doanh nghiệp nào xin điều chỉnh giá, xét thấy hợp lý mới cho tăng. Giá thuốc đến tay người tiêu dùng chắc chắn phải bán thấp hơn hoặc bằng giá kê khai, giá niêm yết, nếu không sẽ bị xử lý.

TS.Nguyễn Văn Yên (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội)

Hùng Long

Đọc thêm