Quý vị đang nghe Bản tin tổng hợp trên Radio Pháp Luật, báo Pháp luật Việt Nam. Bản tin tối ngày 12/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Trình Quốc hội xem xét cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù
Nghiêm cấm giao xe cho học viên tự học mà không có giáo viên
Xét xử Nguyễn Trung Huyên: Luật sư tiết lộ sẽ trình chứng cứ chưa từng công bố
Xử phạt 160 triệu đồng đối với cơ sở chăn nuôi vi phạm lĩnh vực môi trường
1.Tại phiên họp sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình thí điểm, một số cơ chế chính sách đã được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi được tiến hành chính sách đại trà, ví dụ việc các địa phương có điều kiện về ngân sách, có năng lực tự túc được nguồn có thể cho phép tăng mức tiền lương lên cao hơn mức bình quân chung của cả nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, động viên cán bộ, công nhân, viên chức.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cũng chỉ ra rằng, bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách khác. Các chính sách triển khai chưa thực sự đồng đều, có chính sách hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.
Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch QH bày tỏ đồng tình với việc trình QH cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó, các cơ quan có quỹ thời gian và điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm.
Tương tự, TP Hà Nội cũng nghiên cứu kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.
2. Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương tăng cường quản lý công tác đào tạo lái xe quản lý chặt chẽ giáo viên, xe tập lái, chỉ sử dụng các giáo viên và phương tiện đủ điều kiện giảng dạy.
Rà soát việc cấp phép tuyến đường tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo tuyến đường tập lái phù hợp với các yêu cầu của nội dung đào tạo, giao thông thực tế trên tuyến, tránh xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải nghiêm cấm các trường hợp chủ quan, giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc đào tạo trên các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định.
Các Sở Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và rà soát các sân tập lái tự phát, xử lý các trường hợp đào tạo thực hành lái xe sai quy định. Trường hợp người đào tạo không phải là giáo viên của cơ sở đào tạo, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe cần báo với chính quyền địa phương, cơ quan công an để xử lý.
Ngoài ra, các Sở GTVT phải khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin của cơ sở đào tạo để giám sát lộ trình đào tạo thực hành lái xe của giáo viên và các thông tin liên quan theo đúng kế hoạch giảng dạy.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng phải kiểm tra tính chính xác thông tin về giáo viên, xe tập lái đã khai báo trên phần mềm quản lý đảm bảo đúng với giáo viên, xe tập lái được phân công.
3.Theo dự kiến, sáng 13/10, TAND Tp Hà Nội sẽ đưa bị cáo Nguyễn Trung Huyên ra xét xử. Nguyễn Trung Huyên bị cáo buộc đã gây ra cái chết cho cháu bé ĐNA 3 tuổi ở Canh Nậu - Thạch Thất - Hà Nội sau khi đóng 10 chiếc đinh vào đầu cháu bé.
Tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân - cháu ĐNA - tại phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày mai (13/10) là các luật sư Lê Hồng Hiển, Chu Thị Út Quỳnh, Nguyễn Thị Thanh Phương của Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự. Trước khi phiên tòa diễn ra, Luật sư Lê Hồng Hiển cho biết:
"Tội ác của Nguyễn Trung Huyên là không thể dung thứ. Sau 7 tháng điều tra, ngày 22/8/2022, Cơ quan CSĐT – Công an Thành phố Hà Nội đã hoàn tất việc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị truy tố Nguyễn Trung Huyên về tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 và tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự."
Trả lời câu hỏi về việc cáo trạng ghi rõ bị can Nguyễn Trung Huyên không có tình tiết tăng nặng, Luật sư Lê Hồng Hiển nói: "Khoản 1 Điều 123 được áp dụng với người có hành vi Giết người dưới 16 tuổi. Hành vi mang tính chất côn đồ, động cơ đê hèn, man rợ. Đây là các tình tiết định khung tăng nặng. Theo quy định thì đã là tình tiết định khung tăng nặng thì không được coi là tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ Luật tố tụng hình sự. "
Luật sư Chu Út Quỳnh - người cùng tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân - tâm sự: "Kể từ khi nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Đ.N.A, tôi đã tiếp cận rất nhiều người để thu thập thông tin. Mỗi lời kể là thêm một lần đau đớn thay cho những nỗi đau mà cháu A đã phải chịu đựng. Và đến khi đọc lời khai của Nguyễn Trung Huyên tại cơ quan điều tra, nỗi đau đớn, bức xúc của tôi lên đến đỉnh điểm, tột cùng.
Lần đầu tiên, sau gần chục năm làm nghề, vừa nghiên cứu hồ sơ mà tôi vừa run rẩy, ám ảnh tới nỗi mất ngủ cả tuần trời. Tự hứa với tư cách 1 luật sư, và cả 1 người mẹ của 2 cô con gái bé bỏng, tôi sẽ nỗ lực đến cùng để đòi lại công bằng cho cháu A.
Ngày mai 13/10, trong phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Trung Huyên, tôi sẽ cung cấp thêm những luận cứ, chứng cứ để những kẻ gây nên tội phải chịu tội."
4. UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Sửu, chủ cơ sở chăn nuôi ở vùng Cồn Đầu (thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) số tiền 160 triệu đồng vì không có giấy phép môi trường theo quy định.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Sửu là chủ cơ sở chăn nuôi lợn nái 100% ngoại ở thôn Tân Thượng. Ngoài việc nuôi 200 - 300 lợn nái, cơ sở này còn nuôi khoảng 2.000 - 2.400 con lợn thịt và giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động.
Tuy nhiên, quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, cơ sở chăn nuôi của ông Sửu chưa có giấy phép môi trường theo quy định đối với trang trại nuôi lợn nái 100% ngoại.
Theo Quyết định số 2060/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Sửu số tiền 160 triệu đồng, căn cứ xử phạt theo điểm c, khoản 3, điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Cũng theo quyết định của UBND tỉnh, cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Sửu không bị đình chỉ hoạt động vì trang trại phát sinh nước thải chăn nuôi khi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, trong quá trình đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, chủ cơ sở đã chủ động hợp tác, cung cấp đầy đủ hồ sơ, kịp thời khắc phục các hạn chế được chỉ ra nên không có các tình tiết tăng nặng, hình phạt bổ sung.
Được biết, đây cơ sở được chứng nhận trang trại chăn nuôi VietGAP đầu tiên ở huyện Lộc Hà vào năm 2018.
Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của Radio Pháp Luật. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe. Bản tin được thực hiện bởi Ngô Uyên.