Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 đánh dấu mốc kỷ niệm 4 thập kỷ Liên hoan phim Việt Nam đã khép lại với một chút gì gợn gạo, trầm lắng. Trước hiện trạng, phim “lượng nhiều hơn chất”, các diễn viên, đạo diễn trẻ thờ ơ “thảm đỏ”, một câu hỏi đặt ra: Liệu những thập kỷ tới, “dòng sông” điện ảnh Việt Nam có cuộn chảy để hòa kịp nhịp với “biển cả” điện ảnh thế giới?.
Phương Thanh trong vai "người đóng thế" |
Có giải nhưng không thấy người hay sự thờ ơ “thảm đỏ”?
Ở sự kiện lớn như Liên hoan phim, ở các nước trên thế giới thu hút sự quan tâm và tham dự của rất nhiều các nghệ sĩ diễn viên “lão thành” và “sao sớm”. Bởi, họ lấy làm vinh dự và hãnh diện khi được rảo bước trên thảm đỏ trước sự chào đón của đồng nghiệp và công chúng như khẳng định “thương hiệu” của mình. Thế nhưng, lạ lùng thay, ở thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần này, không hiểu vì lý do gì, mà công chúng, ban tổ chức lại phải... “đỏ mắt” tìm những “chồi non” .
Các “gạo cội” như đạo diễn - NSND Hải Ninh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, NSND Thế Anh, NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Lê Mai, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Đức Lưu, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Minh Châu... nhiệt tình với sự kiện này bao nhiêu thì những “chồi non” lại dửng dưng bấy nhiêu.
Một điều đáng buồn là tại Lễ trao giải Liên hoan phim lần này, có không ít diễn viên, đạo diễn trẻ khi được xướng tên công bố nhận giải thưởng thì lại không có mặt. Diễn viên nam phụ xuất sắc Hồ Vĩnh Khoa; Đạo diễn xuất sắc Vũ Ngọc Đãng là trường hợp điển hình. Sau khi nhớn nhác tìm người nhận chẳng thấy, Ban tổ chức đành phải ngậm bồ hòn nhờ “người đóng thế” nhận giải thay.
Ca sĩ Phương Thanh - một “người đóng thế” chống chế cho người vắng mặt: “Liên hoan không có người nhận giải mới có những tiếng cười và tràng vỗ tay”. Nhưng dù chống chế thế nào thì cũng chẳng thế xua nổi không khí lễ trao giải ảm đạm và mất... “thiêng”.
Một đại diện của Ban tổ chức không nén nổi thở dài, ngao ngán: "Đây là dịp để tôn vinh một số diễn viên, nghệ sĩ trẻ trong nghề nghiệp nhưng dường như họ chưa coi trọng việc này. Đây là giải thưởng quý giá của đời nghệ sĩ, vậy mà họ không có mặt. Thật đáng buồn và đáng tiếc!”. Sự thiếu cân bằng giữa sự có mặt của các “sao gạo cội” và “sao mai” hiện nay khiến không khí điện ảnh có phần già cỗi, thiếu một sức sống mới.
Vẫn còn nghệ sĩ kiểu... công chức
Nền điện ảnh Việt Nam qua hàng chục năm mà chưa mấy đột phá. Một trong những lý do đó là, trong khi các đạo diễn nước ngoài ăn ở đầu ra của phim thì đạo diễn ở ta ăn ở đầu vào. Bởi thế, họ chỉ cần phim có bao nhiêu tiền đầu tư là làm ngay, làm cho xong chứ không quan tâm sẽ thế nào sau khi phát hành. Các hãng phim nhà nước thì chỉ quan tâm làm sao có được dự án làm phim, có tiền dự án rồi thì họ sẽ lấy một nửa số đó để trang trải lương cho anh em trong hãng.
Trong một nửa còn lại, sẽ tiếp tục lấy một nửa đi bôi trơn, quan hệ... Như vậy, thực ra, bộ phim sẽ chỉ có 25% kinh phí so với ban đầu. Họ là những đạo diễn công chức. Họ làm phim là để hoàn thành chỉ tiêu của hãng chứ không còn là làm nghệ thuật. Đòi hỏi tính nghệ thuật ở những bộ phim như vậy là vô lý bởi nghệ thuật mâu thuẫn với công chức ăn lương.
Nói Nhà nước chưa quan tâm tới điện ảnh là chưa đúng. Bởi Nhà nước đã dành cho điện ảnh 265 tỷ đồng (năm 1995, tương đương 400 tỷ đồng bây giờ) cho cuộc chấn hưng lần thứ nhất với đầy đủ cơ sở vật chất. Và, sau đó là nhiều hãng phim với cơ sở hạ tầng khang trang, những trung tâm với máy móc đầy đủ và tiền kinh phí làm phim hàng năm.
Nhưng, vấn đề ở đây là Nhà nước đầu tư không “trúng”. Nơi đáng đầu tư nhất là con người thì chưa được đầu tư. Quy chế hiện hành biến những người nhận đặt hàng của Nhà nước (không phải những người nghệ sĩ) thành những ông chủ, coi người nghệ sĩ như những người làm công với mối quan hệ xin - cho. Quy chế hiện hành tạo ra vô số kẽ hở để những kẻ trung gian xà xẻo, rút ruột. Nhà nước cần tôn trọng người nghệ sĩ, trả công thích đáng cho họ (để đừng hổ thẹn với khu vực tư nhân).
Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng phải xem lại chính mình, Nhà nước đầu tư nhiều nhưng phim Việt Nam thì sao?. Đó là, ăn khách thì ít, mà “cúng cụ” thì nhiều. Phải chăng số tiền 265 tỷ đồng đã lãng phí. Chính NSND Nguyễn Khắc Lợi đã từng thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta đã làm không hết sức, hết tâm. Chính chúng ta đang hạ thấp chúng ta”. Đạo diễn Phạm Lộc cũng chung ý nghĩ như vậy: “Lỗi tại người làm điện ảnh thôi. Chúng ta quá quan liêu, nghệ sĩ thì quá chủ quan”...
Bạc thì nhiều nhưng vàng thì không Liên hoan phim lần thứ 17 đã khép lại với sự vắng bóng “vàng” ở thể loại phim truyện nhựa. 3 giải Bông sen bạc được trao cho các phim “Mùi cỏ cháy”; “Hotboy nổi loạn”, “Câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm”; “Vũ điệu đam mê”. Đạo diễn triển vọng: Nguyễn Quang Dũng (“Những nụ hôn rực rỡ”); Diễn viên nam chính xuất sắc: Quách Ngọc Ngoan (“Long thành cầm giả ca”); Diễn viên nữ chính xuất sắc: Ninh Dương Lan Ngọc (“Cánh đồng bất tận”), Mỹ Hạnh (“Vũ điệu đam mê”); Diễn viên nữ phụ xuất sắc: Phương Thanh (“Những nụ hôn rực rỡ”), Lê Khánh (“Cô dâu đại chiến”)... Trong đó, Đạo diễn xuất sắc: Vũ Ngọc Đãng; Diễn viên nam phụ xuất sắc: Hồ Vĩnh Khoa (“Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm”); Diễn viên nữ phụ xuất sắc: Lê Khánh (“Cô dâu đại chiến”) đã không có mặt để nhận giải. |
Thùy Dương