Bản vùng cao Thượng Hóa, Quảng Bình: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều bà con vùng cao Thượng Hóa, Quảng Bình đã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từ đó góp phần thoát nghèo bền vững.
Mô hình vay vốn phát huy tốt hiệu quả của bà Hồ Thị Pấy ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa.
Mô hình vay vốn phát huy tốt hiệu quả của bà Hồ Thị Pấy ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa.

Bản Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là bản vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Toàn bản có 78 hộ dân sinh sống thì đã có đến 94% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về nguồn vốn tín dụng chính sách đã được hỗ trợ đến bà con để vay vốn với lãi suất ưu đãi phát triển chăn nuôi và trồng trọt, từ đó góp phần đẩy lùi cái đói và giảm dần cái nghèo nơi đây.

Nằm phía Tây Bắc của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, bản Mò O Ồ Ồ có lẽ là bản có cái tên gọi hành chính dài nhất và lạ nhất của xã Thượng Hóa. Toàn bản có 78 hộ dân sinh sống với 326 nhân khẩu, có đến 73 hộ thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Rục và dân tộc Sách. Toàn bản có 61 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 78,2% số hộ trong bản. Trong những năm qua, bên cạnh các nguồn lực, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với hộ đồng bào dân tộc nơi đây thì chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, với phương châm nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn vốn vay ưu đãi, phù hợp nhất về thủ tục hồ sơ cho vay, lãi suất vay ưu đãi, thời hạn cho vay và trả nợ phù hợp với các đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương về chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách, trong những năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đã không ngừng phối hợp đẩy mạnh công tác giải ngân các kênh vốn tín dụng để cho vay đến các đối tượng thụ hưởng ở nơi đây, trong đó có các đối tượng là người dân tộc thiểu số, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, toàn bản đã có 11 chương trình tín dụng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện cho vay; có 57 hộ đã được tiếp cận vay vốn với tổng nguồn vốn cho vay là 2.418 triệu đồng, trong đó có 42 hộ vay vốn thuộc hộ đồng bào dân tộc người Rục, chiếm 73,7% số hộ vay vốn; còn lại là người dân tộc Sách và dân tộc Kinh vay vốn.

Gia đình bà Hồ Thị Pấy ở bản Mò O Ồ Ồ thuộc hộ dân tộc người Rục. Chồng mất sớm, một mình bà phải tần tảo nuôi 8 người con ăn học và trưởng thành, bà Pấy được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn số tiền 49 triệu đồng, trong đó có 25 triệu đồng nguồn vốn cho vay hỗ trợ làm nhà ở đối với hộ nghèo dân tộc, số tiền vay còn lại 24 triệu đồng là để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay đàn bò của gia đình có thời điểm lên đến 15 con, tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình, nhờ thu nhập từ tiền bán bò và sản phẩm nông nghiệp gia đình bà đã dần khấm khá vươn lên, cuộc sống ngày càng cải thiện hơn nhiều so với những năm trước đây. Mỗi năm thu nhập từ tiền bán bò của gia đình bà cũng xấp xỉ từ 40 - 50 triệu đồng/năm.

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đa số các hộ vay vốn trong đó có các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích xin vay, nguồn vốn vay đang phát huy tốt hiệu quả, chấp hành trả lãi đầy đủ hàng tháng cho ngân hàng, điều đặc biệt là không có trường hợp nào vay vốn để nợ vay quá hạn, cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng ổn định, khởi sắc đi lên, hầu như cái đói đã được đẩy lùi hoàn toàn và đang dần từng bước giảm cái nghèo và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đọc thêm