Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng trên mảnh đất Ninh Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dòng vốn tín dụng chính sách luôn chảy đều và được coi là “đòn bẩy” của Đề án giảm nghèo bền vững trong nhiều năm liên tiếp, nhất là trong giai đoạn 2021-2025 ở vùng đất cổ Ninh Bình.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dâ vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dâ vươn lên thoát nghèo.

Tạo sinh kế cho người dân miền đồi núi

Bắt đầu từ năm 2022, do không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn nên tỉnh Ninh Bình không còn nằm trong danh sách các địa phương được thụ hưởng ngân sách Trung ương trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị, ban ngành ở Ninh Bình đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đặc thù, chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm tạo phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới: Một trong những dự án trọng tâm, được kỳ vọng tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống đó là việc tập trung huy động, đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời đến đúng các đối tượng, các địa chỉ thụ hưởng.

Cán bộ NHCSXH giao dịch với người dân tại điểm giao dịch xã Cúc Phương , huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Cán bộ NHCSXH giao dịch với người dân tại điểm giao dịch xã Cúc Phương , huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Ông Phạm Đức Cường Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cho biết: Hơn 2 thập kỷ qua, đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, toàn đơn vị luôn đồng tâm, nhất trí cao tham gia đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương thông qua những việc làm cụ thể như tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận thôn xóm, xã phường trên miền đồi núi Nho Quan, Gia Viễn, ngoài vùng biển Kim Sơn, Yên Khánh…

Tính đến hết tháng 3/2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Ninh Bình đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 466 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sau gần 10 năm đưa chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống, các nguồn lực tài chính ở Ninh Bình có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối, giao cho NHCSXH tại địa bàn quản lý, sử dụng. UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã cân đối việc thu chi ngân sách, chuyển sang NHCSXH 210 tỷ đồng đã hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, người yếu thế, khuyết tật có vốn để sản xuất kinh doanh.

Toàn bộ nguồn vốn chính sách do huy động tạo lập được cùng dòng vốn ngân sách của địa phương bổ sung, ủy thác đã được những cán bộ tín dụng chính sách ở vùng đất cổ Ninh Bình bền bỉ chuyển tải kịp thời về khắp địa bàn, bất kể trong vùng miền núi, dân tộc, ngoài biển xa, bất chấp những trở ngại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Người dân vay vốn đầu tư vào mô hình trồng dứa tại Ninh Bình.

Người dân vay vốn đầu tư vào mô hình trồng dứa tại Ninh Bình.

Nhờ có nguồn vốn lớn cùng hệ thống 2.218 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn bản, cùng mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH phủ khắp địa bàn từ tỉnh xuống tận xã, phường, thị trấn đã tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ, dễ dàng tới nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Riêng năm 2023, doanh số cho vay của NHCSXH Ninh Bình đạt 1.181 tỷ đồng với 24.523 khách hàng được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn 1,86% (giảm 1,19% so với cuối năm 2022).

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách cũng đã hỗ trợ đầu sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 10 nghìn lao động, giúp cho gần 1.500 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo 22 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, làm mới 200 ngôi nhà kiên cố cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương sáng tập thể, cá nhân sản xuất giỏi xuất hiện.

Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn

Được nguồn vốn chính sách tiếp sức, xã Cúc Phương, huyện miền núi Nho Quan đã chuyển đổi đất đồi cằn cỗi trồng cây nguyên liệu giấy kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây có múi như cam, bưởi có tiếng với 85 ha, thu nhập hàng năm hơn 20 tỷ đồng… Đơn cử, gia đình bà Đinh Thị Lý ở thôn Nga 1 xã Cúc Phương khởi đầu tư 50 triệu đồng vay vốn chính sách, tới nay, gia đình bà đã sở hữu mô hình vườn ao chuồng lý tưởng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, thực hiện được khát vọng ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Hộ dân mở rộng mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Hộ dân mở rộng mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Hay như mô hình của hộ vay vốn Trần Văn Ty, ngụ xóm 3 khu Đồng Trên, xã Gia Thắng đã sử dụng vốn vay chính sách từ năm 2016 để nuôi bò sinh sản, trồng chanh leo, dứa ngọt, thoát cảnh nghèo khó. Sau khi trả xong nợ vay, mới đây lại được NHCSXH huyện Gia Viễn giải quyết vay vốn tiếp để mở rộng trang trại chăn nuôi tổng hợp “Hiện tại gia đình tôi có 6 con bò béo khỏe, 1.000m2 mặt nước thả cá nước ngọt, đạt mức thu nhập 200 đến 250 triệu đồng/năm”, ông Ty chia sẻ.

Mô hình trồng dừa sạch của hộ dân từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Mô hình trồng dừa sạch của hộ dân từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Có thể khẳng định dòng vốn tín dụng chính sách luôn chảy đều, được coi là “đòn bẩy” của đề án giảm nghèo bền vững trong nhiều năm liên tiếp, nhất là trong giai đoạn 2021-2025 ở vùng đất cổ Ninh Bình.

“Phát huy thành quả đạt được, NHCSXH tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách đẩy mạnh huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi đề án giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”, Giám đốc Phạm Đức Cường khẳng định.

Đọc thêm