“Bằng đỏ” xưa và nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Với nhiều thế hệ ở nước ta, từng có thời sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà) không thể so sánh với “bằng đỏ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tấm bằng tốt nghiệp đại học ngày xưa sẽ có bìa màu đỏ, nếu sinh viên đạt loại giỏi. Người có được tấm “bằng đỏ”, có quyền tự hào về những sự nỗ lực cố gắng, về kiến thức trí tuệ, về phẩm chất “vừa hồng, vừa chuyên” của mình. Một khóa tốt nghiệp đại học cả ngàn người, nhưng có khi chỉ một vài người có “bằng đỏ”. Đó không chỉ là niềm tự hào cá nhân, mà còn của gia đình, thậm chí cả dòng họ.

Chuyện học hành thi cử tốt nghiệp ngày nay đã khác. Số tân cử nhân hàng năm được đánh giá “giỏi, xuất sắc” có khi đếm cả ngày không hết. Trong báo cáo công khai chất lượng đào tạo năm học 2022 - 2023, nhiều trường khối kinh tế có tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi cao nhất cả nước. Tại một trường đại học, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở mức 17,88%, loại giỏi 47,56%. Tỷ lệ này ở một trường khác lần lượt là 15,15% và 44,72%. Còn có thể kể ra một số trường tỷ lệ giỏi và xuất sắc cũng chiếm khoảng một nửa số sinh viên ra trường. Ở nhiều trường, tỷ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, tăng đều theo từng năm.

Một chuyên gia giáo dục nhận định, tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi ngày nay cao, thậm chí rất cao, là do cách kiểm tra và cơ cấu điểm trung bình môn học đã khác xưa. Những năm gần đây, việc kiểm tra đánh giá theo hướng mở hơn, không nặng thuộc lòng, mà đề cao tư duy phân tích, giải quyết vấn đề. Hình thức kiểm tra đa dạng hơn, có thể là bài tập nhóm, dự án, thuyết trình, sinh viên có nhiều cơ hội cải thiện điểm số.

Việc chuyển đổi từ dạy theo niên chế sang tín chỉ với cách quy đổi từ thang điểm 10 sang thang 4 cũng góp phần làm tăng tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc so với trước. Ngoài ra, nhiều trường cho phép sinh viên có điểm thấp học lại, nên kết quả xếp loại tốt nghiệp khả quan hơn.

Hệ quả của cách đánh giá sinh viên “giỏi”, “xuất sắc” như trên, khiến xã hội thay đổi quan niệm về xếp loại trên bằng tốt nghiệp. Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của một trường nhiều hay ít, tăng hay giảm không phản ánh toàn bộ chất lượng đào tạo của trường đó. Nhiều người cũng không còn tin tưởng hoàn toàn vào kết quả xếp loại trên tấm bằng tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp loại gì không phải là yếu tố quyết định, điều này đặc biệt đúng với thị trường lao động. Mới đây, trong một cuộc gặp ở một trường đại học ở TP HCM với các nhà tuyển dụng, một doanh nghiệp thẳng thắn nói trong mắt họ chỉ có hai kiểu lao động, làm được việc hoặc không, tốt nghiệp loại gì không quá quan trọng.

Thực tế trên buộc sinh viên phải hiểu đừng mang tâm lý tự mãn với tấm bằng xuất sắc hay giỏi khi bước ra môi trường làm việc, khi đi xin việc. Các tân cử nhân cần mang tâm thế học hỏi, thích nghi với điều kiện thực tế. Sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, nhưng thậm chí không có nghĩa là đạt yêu cầu của doanh nghiệp, mà có thể bị rớt “ngay từ vòng gửi xe”.

Đọc thêm