Bangladesh để quốc tang tưởng niệm nạn nhân vụ bắt cóc đẫm máu

(PLO) - Bangladesh ngày 3/7 bắt đầu 2 ngày quốc tang tưởng niệm 20 con tin đã bị sát hại trong một nhà hàng có đông người nước ngoài xảy ra ở thủ đô Dhaka hôm 1/7.
Người thân một cảnh sát thiệt mạng trong vụ việc. Ảnh: AP

Theo AFP, vụ tấn công đẫm máu nói trên xảy ra tối 1/7, khi một nhóm những tay súng xông vào quán café Holey Artisan ở khu dân cư Gulshan thuộc thủ đô Dhaka – là nơi có nhiều đại sứ quán của các nước.

Những tay súng sau đó đã bắt giữ một số con tin và cố thủ bên trong quán cà phê. Sau gần 12 tiếng nỗ lực thương thuyết để giải cứu con tin nhưng không thành, cảnh sát Bangladesh đã quyết định đột kích vào quán café để giải cứu con tin. Những kẻ tấn công đã chống trả dữ dội và ném lựu đạn về phía cảnh sát. Sau hơn 1 giờ đấu súng, chiến dịch giải cứu con tin kết thúc.

20 thi thể các nạn nhân đã được tìm thấy bên trong quán café khi cuộc bao vây kết thúc. 2 cảnh sát cũng đã thiệt mạng do trúng đạn trong cuộc đấu súng dữ dội với những kẻ tấn công. 6 tay súng đã bị tiêu diệt nhưng 1 tên đã bị bắt sống và đang bị lực lượng tình báo Bangladesh thẩm vấn. Các quan chức an ninh Bangladesh cho hay hầu hết các nạn nhân đã bị sát hại bằng những vũ khí sắc kiểu dao rựa. 

18 trong số các con tin đã bị sát hại là người nước ngoài, gồm 9 người Italia, 7 người Nhật, một người Mỹ và 1 người Ấn Độ đang theo học ở Mỹ. Theo một nhân chứng người Bangladesh sống sót sau vụ việc, những kẻ tấn công đã chia những thực khách đang có mặt tại quán café thành các nhóm người nước ngoài và người địa phương. “Chúng liên tục nói với chúng tôi rằng không phải lo lắng vì chúng ở đó để giết người nước ngoài và những người không phải người theo đạo Hồi” – nhân chứng giấu tên kể với tờ Dhaka Tribune.  

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bangladesh đã phủ nhận thông tin này. “Chúng là thành viên của nhóm cực đoan Jamaeytul Mujahdeen. Chúng không có liên lệ với IS” – Bộ trưởng Asaduzzaman Khan cho hay, đề cập tới một nhóm cực đoan đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh từ hơn 1 thập kỷ nay. Theo Bộ trưởng này, tất cả những kẻ tấn công đều là những người đàn ông trẻ, được giáo dục đầy đủ và hầu hết đều xuất thân từ những gia đình giàu có. 

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã tuyên bố 2 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ việc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua bày tỏ sự tức giận sâu sắc trước việc có quá nhiều người vô tội thiệt mạng bởi sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố. Giáo hoàng Francis, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc  Ban Ki-moon và nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đã lên án vụ việc. 

Theo AFP, vụ tấn công nói trên đã dấy lên những lo ngại rằng tình trạng bạo lực do những phần tử Hồi giáo đang trỗi dậy có thể ảnh hưởng xấu tới ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh. “Vụ tấn công này sẽ khiến những người nước ngoài bỏ đi” – ông Faruque Hassan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho hay. 

Cuộc tấn công diễn ra trong lúc Bangladesh đang phải chật vật đối phó với làn sóng những vụ giết chóc có liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào người dân tộc thiểu số và cả người nước ngoài như vụ một nhân viên cứu trợ người Italia bị sát hại hồi tháng 9 năm ngoái.

Chưa có thông tin công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công

Ngày 3/7/2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công tại Nhà hàng Holey Artisan, thủ đô Dhaka, Bangladesh tối 1/7/2016 nhằm vào dân thường là một hành động dã man không thể chấp nhận được. “Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Bangladesh và những nước có công dân bị thiệt mạng, gia đình những người bị nạn. Chúng tôi tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng” – Người phát ngôn nói.

Về tình hình bảo hộ công dân Việt Nam, ông Bình cho biết cho đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Theo thông tin từ Người phát ngôn, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và nhân viên Văn phòng đại diện của Công ty FPT tại Dhaka nằm trong khu cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 200m vẫn an toàn, được hướng dẫn hạn chế đi lại trong một thời gian, tránh đến nơi đông người sau 18h hàng ngày.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali.