Báo cáo FDI 2022: Thách thức và cơ hội thu hút FDI xanh và chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo thường niên 2022 về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thu hút FDI trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Trong bối cảnh ASEAN và thế giới chuyển động nhanh, nếu Việt Nam không nhanh chóng thích ứng, thì rất khó để đạt mục tiêu đứng thứ 3 ASEAN về chuyển đổi số năm 2030.
Báo cáo FDI 2022: Thách thức và cơ hội thu hút FDI xanh và chuyển đổi số

Hôm nay - 10/3, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã chính thức công bố "Báo cáo thường niên 2022 về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam”. Báo cáo nhằm phân tích, đánh giá tình hình và tiềm năng, cơ hội đầu tư trong các ngành, lĩnh vực, khuyến nghị chính sách giải pháp nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả FDI.

Báo cáo do GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE làm chủ biên, được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Trong quá trình soạn thảo Báo cáo, Tổ biên tập của VAPIE đã tiến hành khảo sát 10 tỉnh, thành phố thu hút nhiều nhất và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao để đánh giá khoa học và khách quan thành quả, vấn đề, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với nhiều nước để thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả.

Báo cáo với chủ đề: “FDI với tăng trưởng xanh và kinh tế số” gồm 3 chương: Tổng quan FDI toàn cầu và ASEAN; Thu hút và sử dụng vốn FDI tại Việt Nam; Định hướng và giải pháp thu hút FDI năm 2023.

Theo báo cáo, FDI vào châu Á liên tục gia tăng trong 3 năm liền và đạt mới 619 tỷ USD vào năm 2021. Bên cạnh đó, FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tăng mạnh, năm 2021 tăng tới 70% so với năm 2020.

Tại Việt Nam, năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021, trong khi vốn FDI đăng ký mới đạt 27,71 tỷ USD, chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp năm 2022 cơ bản quay về thời điểm trước đại dịch, với tổng giao dịch đạt trên 5,1 tỷ USD.

Đặc biệt, các khu công nghệ, khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp sinh thái.

Về môi trường đầu tư, kết quả điều tra cho thấy, có tới 68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác khiến họ cân nhắc đầu tư tại đây. Tuy nhiên, tham nhũng và những thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công vẫn là những vấn đề nổi lên, cần được khắc phục.

Đặc biệt, báo cáo đề xuất định hướng, chính sách và giải pháp thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI năm 2023. Theo đó, một số nội dung cần tập trung tại chương này là, theo báo cáo của UNCTAD, FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều quốc gia tiếp tục sàng lọc FDI. Tuy nhiên, khả năng thu hút FDI của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, mặc dù vẫn còn không ít thách thức.

Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hoá thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hoá hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp chính được đề xuất để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhiều khu công nghiệp sinh thái được hình thành

Nhiều khu công nghiệp sinh thái được hình thành

Từ năm 2014, Chính phủ đã nhận thấy cần phải nâng cấp chính sách thu hút FDI và kiến tạo, không chỉ là thu hút về số lượng mà quan trọng là chất lượng. Trong chất lượng có những thước đo để đánh giá đúng hiệu quả của khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế theo định hướng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Đặc biệt, gần đây Chính phủ chú trọng chiến lược chuyển đổi số, từ DN số tới xã hội số, Chính phủ số và kinh tế số. Chiến lược của Việt Nam là tới năm 2030 sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số.

Năm 2021-2022, Việt Nam đã bước đầu đạt được mục tiêu đề ra, có chuyển dịch tốt trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở nhiều ngành công nghiệp, công nghệ, các khu kinh tế dần chuyển sang khu kinh tế sinh thái, hình thành khu công nghiệp đô thị sinh thái, thu hút nhiều tập đoàn lớn thế giới đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao như Samsung, LG, Intel, Toyota, Lego..,

Đánh giá của VAFIE tại báo cáo thể hiện rõ sự coi trọng với những thay đổi tích cực của FDI những năm gần đây. Với tổng kết 30 năm thu hút FDI vào 2019, năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50 về nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút FDI phù hợp với định hướng 2021-2030 là tăng trưởng xanh bền vững và chuyển đổi số là trọng tâm. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Báo cáo thường niên FDI 2022…

GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE

Đọc thêm