Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có Công văn số 19/CV-HNBVN gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh về thực trạng có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt báo chí. Việc cho phép nhiều cơ quan được quyền xử phạt báo chí với các chế tài chồng chéo, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho việc thực hiện, giới báo chí băn khoăn”.
Hội Nhà báo cũng liệt kê một loạt văn bản có những nội dung xử phạt không thống nhất đối với cơ quan báo chí để báo cáo Thủ tướng và khẳng định: hiện nay có nhiều nghị định quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi thông tin không đúng của các tổ chức và cá nhân, nhất là các cơ quan báo chí như đã nói ở trên.
Với các quy định nêu trên thì thực tế quy định của pháp luật có mâu thuẫn với nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng. Một hành vi đưa tin sai về số liệu thống kê chẳng hạn, sẽ được áp dụng văn bản pháp luật nào để xử phạt? Nếu theo nguyên tắc có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm để áp dụng Nghị định 02/2011/NĐ-CP với mức phạt thấp hơn thì lại vi phạm nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành để xử phạt.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Chính phủ có thẩm quyền xác định các hành vi vi phạm hành chính, mức phạt và cơ quan có thẩm quyền xử phạt phù hợp với quy định của Luật. Do đó, các Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mà có quy định xử phạt đối với hành vi thông tin không đúng (kể cả thông tin của các cơ quan báo chí) là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Và theo nguyên tắc thì các cơ quan báo chí cũng như các tổ chức và cá nhân đều phải chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Trong khi đó, Khoản 1, 2 Điều 17 a Luật Báo chí quy định: “1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí; 2. Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí”. Như vậy, có thể khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, trong đó có việc xử lý vi phạm về hành vi thông tin sai sự thật trong hoạt động báo chí. Hơn nữa, hành vi thông tin sai sự thật trong hoạt động báo chí đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Vì vậy, việc hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật cho phép các cơ quan được xử phạt báo chí là không phù hợp với Luật Báo chí, Nghị định số 02/2011/NĐ-CP đã và đang có hiệu lực.
Từ các phân tích trên, Hội Nhà báo Việt Nam “kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo các văn bản rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí, thống nhất trong mức phạt đối với các hành vi vi phạm của báo chí, đồng thời có hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, sự phát triển của báo chí trong tương lai”.
Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, chiều qua (21/1), tại Bộ Tư pháp đã diễn ra cuộc họp xung quanh việc rà soát lại các quy định chồng chéo tại các văn bản quy phạm pháp luật mà các cơ quan báo chí đã phản ánh trong thời gian qua để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.