Tham dự buổi Hội thảo có Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc, Phó trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Akiko Fujji cùng đại diện các đơn vị pháp chế các Bộ, ban, ngành đoàn thể và Trung ương, đại diện lãnh đạo của Bộ Tư pháp, đại diện của các Sở Tư pháp địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc nhấn mạnh báo cáo viên pháp luật (BCVPL), tuyên truyền viên pháp luật (TTVPL) là lực lượng nòng cốt thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở Việt Nam, là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Đặc biệt, việc tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, công tác PBGDPL nói chung và lực lượng BCVPL, TTVPL nói riêng có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng. Thực tiễn đó đòi hỏi mỗi BCVPL, TTVPL phải có sự chuyển biến về “chất”, từng bước cải thiện và nâng cao cả về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ.
Thay mặt nhóm chuyên gia, PGS TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội đã báo cáo tóm tắt về Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của các BCVPL, TTVPL. Theo đó, việc nâng cao năng lực được xem là một quá trình thay đổi nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, hiệu quả làm việc, quy trình tổ chức/triển khai nhiệm vụ được giao cho đội ngũ BCVPL, TTVPL. Để thực hiện việc nâng cao năng lực cho BCVPL, TTVPL một cách hiệu quả, Bộ công cụ được coi là cơ sở, công cụ hỗ trợ việc tiến hành đánh giá thực trạng và tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực.
Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng cho biết nhóm chuyên gia đã xác định trọng tâm của Bộ công cụ là việc xây dựng các công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của BCV, TTVPL dành cho cơ quan/cá nhân quản lý BCV, TTVPL. Theo đó, Bộ công cụ sẽ đưa ra hệ thống các tiêu chí để đánh giá năng lực hiện tại và năng lực mong muốn (nhu cầu nâng cao năng lực) của BCV, TTVPL. Các tiêu chí được lượng hóa thành các cấp độ thể hiện bằng xếp hạng/điểm số phản ánh mức độ đáp ứng của BCV, TTVPL đối với từng tiêu chí cụ thể.
Cụ thể là, đánh giá năng lực hiện tại, đặc biệt xác định những năng lực cần được bổ sung theo yêu cầu công tác PBGDPL; xác định nhu cầu và khó khăn, thách thức của địa phương trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ BCV, TTVPL; xác định khung kế hoạch, chương trình nâng cao năng lực cho địa phương. Với mục đích đánh giá được năng lực của BCV, TTVPL, Bộ công cụ này sẽ tập trung đánh giá vào kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh đó, còn có phiếu khảo sát đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ BCV, TTVPL, tự BCV sẽ đánh giá mình yếu cái gì, cần cái gì và cần làm gì để nâng cao năng lực hơn nữa. Qua đó, giúp cho các cơ quan/cán bộ quản lý BCV, TTVPL có thể đánh giá được năng lực của BCV, TTVPL một cách dễ dàng hơn, từ đó tìm ra phương hướng, ý tưởng cải cách, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng…
Nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), TS Trần Huy Liệu nhận định rằng tiêu chí đầu tiên để đánh giá các BCV, TTVPL là phải có hiểu biết về pháp luật cơ bản, tiêu chí tiếp theo mới là kỹ năng cơ bản và kỹ năng bổ sung. Bên cạnh đó, ông Liệu cũng cho rằng năng lực của các BCV, TTVPL trong công tác phổ biến pháp luật khác với năng lực trong công tác giáo dục pháp luật, do đó cần phải xác định thật kỹ lưỡng các tiêu chí đánh giá của Bộ công cụ này. Ngoài ra, ông Liệu cũng chỉ ra một số hạn chế về cơ cấu của Bộ công cụ, như còn rời rạc, chưa được liên kết; xác định lại các điều mục, mục và xem xét lại cách đặt tên cho Bộ công cụ.
GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) lại cho rằng việc xây dựng Bộ công cụ để đánh giá chất lượng, năng lực của các BCV, TTVPL là việc khá khó khăn. Ông cũng cho rằng việc nâng cao năng lực của đội ngũ BCV, TTVPL là bắt buộc chứ không phải nhu cầu cần nâng cao năng lực phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng cần cần phải xác định năng lực tuyên truyền pháp luật là gì? Những người thực hiện việc tuyên truyền mang lại những giá trị gì? Bộ công cụ đánh giá này phải mang tính định lượng chứ không phải phải định tính.
Bên cạnh đó, bà Huỳnh Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh lại cho rằng đội ngũ BCV, TTVPL đã có cố gắng nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Hàng năm, Sở đều tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này. Qua đó, bà Mai Anh cũng đề nghị các tiêu chí đưa ra trong bảng tự đánh giá năng lực của các BCV, TTVPL phải phù hợp và phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của các BCV, TTV đó.
Tại buổi Hội thảo, rất nhiều ý kiến đồng tình rằng việc phổ biến, giáo dục pháp luật là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là tuyên truyền miệng. Do đó, BCV, TTVPL phải có kỹ năng và tuyên truyền pháp luật như thế nào; làm thế nào để đánh giá xác thực nhất chất lượng và năng lực của đội ngũ này; Bộ công cụ này phải được coi là chìa khóa để đánh giá về kiến thức và đánh giá về kỹ năng của các BCV, TTVPL... Ngoài ra, các kỹ năng biên soạn tài liệu, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, hiểu biết tiếng dân tộc, hiểu biết về pháp luật nước ngoài cũng được cho là một trong những yếu tố cần thiết để đánh giá năng lực, chất lượng của đội ngũ này.