Báo chí - Doanh nghiệp: Quan hệ tương hỗ, không phải 'xin - cho'

(PLO) - Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Tư lệnh/Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng) khẳng định như vậy khi nói về mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, doanh nhân nhân ngày truyền thống của báo giới năm nay (21/6).
Phó Tư lệnh/Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Ngọc.
Phó Tư lệnh/Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Ngọc.

Là một doanh nghiệp trong quân đội, “Tổng” Trường Sơn đã có sự hợp tác khá hiệu quả không chỉ với các cơ quan báo chí trong lực lượng vũ trang mà cả với các báo, đài ngoài quân đội. Ngược lại, trên hầu khắp các công trình, dự án trọng điểm của đơn vị này đều có dấu chân của những phóng viên, nhà báo đồng hành, cổ vũ những người lính thợ Trường Sơn. 

Định hướng, “dẫn đường”

PV: Kinh tế phát triển và hội nhập cho thấy giữa báo chí và doanh nghiệp tồn tại mối quan hệ hai chiều, hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp cần báo chí để có thông tin, quảng báo thương hiệu, sản phẩm... Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn tin, là đề tài đa dạng, phong phú. Là doanh nhân của doanh nghiệp quân đội, ông cảm nhận điều này như thế nào? 

- Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc: Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển năng động của nền kinh tế thị trường rõ ràng đang có sự giúp sức rất lớn của truyền thông, trong đó báo chí đóng vai trò không thể thiếu - là kênh quan trọng để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ... ra thị trường. Điều này nếu thông suốt, hiệu quả có nghĩa là hoạt động của doanh nghiệp thành công.

Hơn thế, chúng tôi còn hiểu rõ báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho xã hội mà còn cảnh báo, phản biển nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều tờ báo và nhà báo còn sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế cập nhật thông tin, phân tích và đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế giúp những doanh nghiệp, doanh nhân như chúng tôi có được những “cẩm nang” thực sự bổ ích từ đó đưa ra chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh đúng đắn. 

Trong trường hợp này, báo chí đóng vai trò định hướng, nhà báo được xem  như là những người “dẫn đường” đối với doanh nghiệp. Thậm chí, trong một số trường hợp, báo chí còn giúp doanh nghiệp nhận ra những thiếu sót, tồn tại... để kịp thời khắc phục, sửa chữa cho hoạt động doanh nghiệp tốt lên.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra một thực tế rằng, trong khi báo chí và đại đa số các nhà báo thông qua ngòi bút, trang giấy của mình đã có những đóng góp hết sực tích cực cho xã hội, trong đó có giới doanh nghiệp, doanh nhân chúng tôi thì đâu đó vẫn còn một số ít phóng viên, nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí để phê bình vô căn cứ, đưa tin thất thiệt, thổi phòng sự thật... làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Không phải xin - cho

PV: Vậy, theo ông báo chí - doanh nghiệp nên hợp tác như thế nào cho hiệu quả?

-  Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc: Để hài hòa lợi ích của hai bên, theo tôi báo chí và doanh nghiệp nên có cái nhìn tích cực về nhau. Xã hội đã có sự phân công lao động rồi - mỗi người một lĩnh vực, một nghề khác nhau nhưng cả hai đều hướng đến một cái đích chung đó là xây dựng một xã hội tốt đẹp, một đất nước mạnh giàu. Vì thế, theo tôi, cả hai hãy coi đây là mối quan hệ tương hỗ hai chiều, có nghĩa doanh nghiệp cần báo chí và báo chí có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải là một sự “xin - cho”.

Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, doanh nghiệp luôn cần báo chí để có thông tin phục vụ điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Và chúng tôi cũng biết rõ hoạt động của chúng tôi là đề tài, là “chất liệu” không thể thiếu để các phóng viên, nhà báo tạo ra các tác phẩm báo chí nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay không thể thiếu mối quan hệ này. Vì thế, mỗi bên trong chúng ta phải có trách nhiệm làm cho mối quan hệ này ngày một hiệu quả, cởi mở và đáng tin cậy hơn.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ14) do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ14) do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công 

“Chúng tôi không quá “kín tiếng” 

PV: Các doanh nghiệp quân đội thời gian gần đây tham gia ngày một sâu rộng vào các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia nhưng hơi “kín tiếng” so với các doanh nghiệp dân sự trong hoạt động truyền thông với báo chí, thưa ông?

- Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc: Thương hiệu “Trường Sơn” đã được các thế hệ cha anh chúng tôi gây dựng và phát triển không chỉ trong thời chiến mà từ khi đất nước hòa bình đến nay. Với truyền thống Bộ đội Trường Sơn, chúng tôi luôn giữ vững tinh thần kỹ luật, minh bạch, đoàn kết trong sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi luôn kết hợp chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ quốc phòng - an  ninh; tổ chức sản xuất kinh doanh đúng quy định của pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng; gắn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị - xã hội. Với phương châm hành động đó, tất cả các công trình dự án mà chúng tôi thực hiện đều hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng như yêu cầu của các chủ đầu tư.

Một loạt các công trình, dự án trong điểm mà Trường Sơn vinh dự được tham gia thi công như Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 14, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, Dự án trên đảo Phú Quốc, Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủy điện Lai Châu... là minh chứng cho thấy sự nỗ lực từng ngày, từng giờ của tập thể cán bộ chiến sỹ một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng như chúng tôi. Và cũng xin nhấn mạnh thêm, trên hầu khắp các công trường nói trên đều có dấu chân của phóng viên, nhà báo đồng hành, cổ vũ những người lính thợ của chúng tôi bằng những bài phản ánh, phóng sự truyền hình… giúp Trường Sơn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

Thực tế đó cho thấy, chúng tôi không hẵn là quá “kín tiếng”, bởi với đặc thù là một đơn vị kinh tế - quốc phòng, đồng thời còn là đơn vị dự bị công binh, cầu đường chiến lược, thời gian qua chúng tôi đã có sự phối hợp khá chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong quân đội để cung cấp thông tin tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của các đơn vị, trong đó có những gương người tốt, việc tốt, những công trình dự án kiểu mẫu đến với toàn quân.

Tuy nhiên, với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, sắp tới, chúng tôi sẽ quan tâm, chú trọng hơn nữa công tác truyền thông trên cơ sở đúng quy định của Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chí kịp thời - chính xác trong cung cấp thông tin cho báo, đài... bởi chúng tôi ý thức rằng, thông tin phát đi kịp thời - chính xác bao nhiêu thì hiệu quả quả bá, giới thiệu hình ảnh và thương hiệu của Trường Sơn sẽ “tròn trịa” và hiệu quả bấy nhiêu.

PV: Cảm ơn ông!

Kỷ luật “nhà binh” là lợi thế của “Tổng” Trường Sơn 

“Trong quá trình theo dõi, chỉ đạo Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), có thời điểm vì yêu cầu tiến độ, chúng tôi đã lưu ý Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn phải tăng cường nhân lực, thiết bị đẩy nhanh việc thi công phần đường  (km0 - km4+501) nhằm bù tiến độ do có thời điểm, nhà thầu gặp khó khăn vì vướng mặt bằng thi công cầu tạm sông Cấm. Chỉ đạo này của Bộ GTVT sau đó cũng đã được các báo đưa tin.

Theo tôi quan sát, chỉ một thời gian ngắn, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tổ chức một đoàn công tác cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc “Tổng” này kịp thời có mặt tại hiện trường, đồng thời đưa ra những chỉ đạo “nóng” đối với việc thi công cầu tạm sông Cấm, qua đó  “gỡ” được “nút thắt” trên công trường. Tôi cho rằng, kỹ luật “nhà binh” là lợi thế của nhà thầu này khi triển khai thi công các dự án cũng như xử lý các chỉ đạo của Bộ GTVT hay phản ánh của truyền thông báo chí ”, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT). 

Đọc thêm