Hình ảnh quen thuộc của các nhà báo là cây bút, cuốn sổ và chiếc máy ảnh. Hình ảnh minh họa thường dùng cho các bài viết về báo chí là “rừng” máy ảnh hướng vào đối tượng chính trong sự kiện. Và chuyện đọc báo càng dễ hình dung với cảnh một người tay cầm tờ báo, chăm chú...
1. Nhưng nay thì đã khác lắm rồi! Đọc báo thời kỹ thuật số nghĩa là mỗi người một laptop, một smartphone hoặc một máy tính bảng; rất ít thấy một người tay cầm tờ báo, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa theo dõi một phóng sự dài kỳ hay một bài tường thuật trận bóng đá vừa kết thúc hồi đêm. Giờ có chạy xe từ đầu tới cuối phố, may mắn lắm mới gặp một sạp báo, thay vì trước đây “ra ngõ là có báo”. Suy giảm số lượng bản in báo giấy là “căn bệnh” dường như có tính “lây lan” trong làng báo, dù là báo chí trong nước hay báo chí quốc tế.
Tuy nhiên, sự “lên ngôi” của truyền thông điện tử, truyền thông đa phương tiện – dẫu là thực tế không thể chối bỏ - cũng nhanh chóng bộc lộ phía sau vầng hào quang những vẩn mây mờ đục với những tiếng thở dài...Chỉ sau mươi giây đồng hồ, một sự kiện nóng đã lan truyền đầy ắp không gian mạng, cả thế giới đã biết “điều gì vừa xảy ra” nhưng độ chính xác thì…chưa thể nói ngay được. Ví dụ: Sự kiện Đồng Tâm rất nhanh chóng được lan tỏa trên mạng với tất cả những gì đã xảy ra trong thời khắc đó; thế nhưng, để biện giải đúng – sai, định hướng phải – trái thì vẫn…cần có thời gian. Báo chí điện tử, truyền thông đa phương tiện dẫu có thật nhanh, cũng cần chờ phân tích, lý giải, xem xét sự việc dưới nhiều góc độ từ chính trị, pháp lý, xã hội cho đến đối ngoại…nếu không muốn sa chân xuống hố.
Nói như thế để thấy, kỹ thuật số tạo cơ hội cho báo chí được đa dạng hóa loại hình – tức thêm nhiều chủng loại “vũ khí tuyên truyền”. Công chúng ngày càng được tiếp cận báo chí, tiếp cận thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn, thuận tiện hơn. Tổng số người đọc báo ngày một tăng lên, tỷ lệ giữa người chọn đọc báo giấy với đọc báo điện tử đang và sẽ còn biến động mạnh song chắc chắn không triệt tiêu nhau. Trước thực tế này, mỗi cơ quan báo chí hẳn đã nhìn thấy mình phải làm gì?
|
Số người làm báo đang ngày càng tăng lên |
2. "Báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số - nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là một nguy cơ hiện hữu...". Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, và đó là một nhận định thẳng thắn, chính xác. Với “tương quan lực lượng” giữa hơn 18.000 nhà báo được Bộ TT&TT cấp thẻ với 48 triệu người dùng Facebook, mạng xã hội để “làm báo” thì theo quan điểm người viết, nhận định của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vẫn còn là “nhẹ”. Với những sự kiện như Formosa hay Đồng Tâm, đã có tới cả chục triệu tài khoản Facebook bình luận, mổ xẻ, nêu quan điểm và được cập nhật liên tục 24/24, mạng xã hội thể hiện rõ sức mạnh phủ trùm, tạo làn sóng dư luận ghê gớm và đó thực sự là thách thức to lớn của nền báo chí cách mạng, của đội ngũ những người làm báo chúng ta. Và một khi không thể “đấu” bằng số lượng, những người làm báo chỉ còn cách dồn sức mạnh của mình vào chất lượng của mỗi tin bài, mỗi số báo hay tốt hơn cả là tin bài phải chuẩn xác, nhanh chóng, lan tỏa kịp thời và rộng khắp. Nói khác đi, nhiệm vụ của báo chí đã trở nên nặng nề, khó khăn hơn bao giờ hết trước “đối trọng” mạng xã hội: Giữa vô số những “món ăn tinh thần” được “bày ra” trên nền tảng truyền thông đa phương tiện, những “món ăn” được làm ra bởi hơn 18.000 nhà báo phải vượt trội, phải tinh sạch và chất lượng hơn hẳn những sản phẩm của 48 triệu Facebooker; phải làm sao để tin, bài của mình đưa ra vừa thỏa mãn được thị hiếu của người đọc, người xem lại vừa thể hiện đầy đủ tính đúng đắn, chuẩn mực, khuôn mẫu trong vai trò định hướng dư luận, dẫn dắt nhân tâm mà tạo nên động lực phát triển cho xã hội.
3. Bùng nổ kỹ thuật số với cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4, sự gia tăng đột biến những “lực lượng làm báo” phi truyền thống là sự thật nhưng thách thức luôn mở ra cơ hội, trở ngại luôn tạo nên động lực.
Là một thành tố góp phần làm nên lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam thừa hưởng bản lĩnh kiên cường, ý chí quật khởi, tinh thần vượt khó khăn gian khổ, sáng tạo nên đường đi lên cho riêng mình. Thượng tôn pháp luật, tận hiến với trách nhiệm xã hội, tận lực vì nghĩa vụ công dân, mỗi người làm báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam từng ngày từng giờ bám sát thực tiễn, lăn lộn với cuộc sống với tinh thần phục vụ dân, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước. Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái Tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian.
“Với trí tuệ, sự tận tâm, tấm lòng ngay thẳng và tinh thần dũng cảm, các nhà báo cần vượt qua khó khăn thách thức để phản ánh những bất cập, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ như thế hôm 18/6/2017 trong cuộc gặp đại diện các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Kỳ vọng của Thủ tướng cũng chính là quyết tâm của các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam, nỗ lực phát huy truyền thống, gắn kết với sự tiếp nhận của cách mạng công nghệ 4.0 để tạo dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trở thành nền báo chí hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc