Báo chí là kênh tố cáo nặc danh hay có danh?

(PLO) - Trước quan điểm không nên quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh trong Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đặt vấn đề: Nhiều vụ việc báo chí nêu ra mà cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra vào cuộc xác định là đúng, vậy coi báo chí là kênh gì, kênh nặc danh hay kênh có danh?
Nhiều vụ việc báo chí nêu ra mà cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra vào cuộc xác định là đúng.
Nhiều vụ việc báo chí nêu ra mà cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra vào cuộc xác định là đúng.

Sáng 9/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 4, thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo (Dự thảo Luật). 

Vẫn băn khoăn về tố cáo nặc danh

Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Pháp luật tập trung thảo luận, cho ý kiến là những vấn đề còn có quan điểm khác nhau được nêu ra trong Tờ trình của Chính phủ, bao gồm các quy định về hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh và quy chế bảo vệ người tố cáo. 

Chính phủ cho rằng, những năm qua, cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó có đến gần 60% là tố cáo sai. Nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì sẽ không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Vì thế, chưa nên quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. 

Cùng quan điểm trên nhưng một số ý kiến đề nghị nên cân nhắc đối với những đơn tố cáo nặc danh có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, về nguyên tắc, đơn mạo danh không xử lý, nhưng với đơn mạo danh, nặc danh mà có hồ sơ, chứng cứ tương đối rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà trong các tài liệu đó có nêu, giống như các thông tin phản ánh về vi phạm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền- thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, nếu không xử lý đơn thư tố cáo nặc danh thì phải có giải pháp thống kê, theo dõi cụ thể; cơ quan có trách nhiệm cũng cần nghiên cứu, xem xét bằng các hình thức khác nhau.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, ông Nguyễn Sỹ Cương- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, phải làm rõ được vấn đề là tại sao nhiều người phải tố cáo nặc danh? Đơn thuần là trên thực tế có không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn.

“Thực tế có rất nhiều trường hợp người ta muốn tố cáo nhưng không có bằng chứng trong tay để gửi đi vì người ta có gì để được tiếp cận những thông tin ấy… Bây giờ tôi xin hỏi các đồng chí kênh quan trọng là báo chí; nhiều vụ việc báo chí nêu ra mà cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra vào cuộc là đúng. Vậy coi báo chí là kênh gì, kênh nặc danh hay kênh có danh thì các đồng chí phải nêu rõ vào đây”- ông Cương bày tỏ.

Cân nhắc mở rộng hình thức tố cáo

Chính vì quy định về bảo vệ người tố cáo khá quan trọng, nhưng theo một số đại biểu thì Dự thảo Luật còn quy định chung chung, chưa quy định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ; chưa đánh giá tác động của quy định này về ngân sách và nguồn nhân lực để thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật. Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung nêu trên, đáp ứng mục đích sửa đổi Luật Tố cáo. 

Liên quan đến các hình thức tố cáo, dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Nhưng qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật bày tỏ hai luồng ý kiến khác nhau, một số ý kiến tán thành việc giữ lại hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, bởi hiện nay chưa quản lý được địa chỉ email, số điện thoại… nên có thể bị lợi dụng để tố cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc mở rộng hình thức tố cáo, vì Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng đều quy định tố cáo bằng nhiều hình thức và yêu cầu cơ quan liên quan phải tiếp nhận những đơn tố cáo bằng các hình thức khác này. Do đó, trong Dự án Luật Tố cáo sửa đổi cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như: fax, email, qua đường dây nóng… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo và cũng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì thực tế đã có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng được phát hiện thông qua các hình thức này.

Đọc thêm