Thế mà, kỳ lạ thay, dự án này đã xây dựng từ tháng 2 năm 2012, nghĩa là đã 5 năm và cứ tiếp tục xây dựng như tất cả đều hợp pháp, vai trò và chức năng quản lý nhà nước của chính quyền Thủ đô ở đâu? Cũng cần bổ sung thêm, một dự án chung cư của chủ đầu tư dự án này có những sai phạm như xây dựng quá phép, chưa cấp “sổ đỏ” cho người mua, được cử tri phản ảnh trong cuộc tiếp xúc hồi tháng 12/2016, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã hứa chuyển cơ quan điều tra xem xét và khởi tố vụ án. Chưa xong chuyện đó lại xảy ra chuyện này, còn tày đình hơn.
Tại Ninh Thuận, khi xây dựng đường kênh chính của đập dâng để xảy ra nhiều sai sót trong việc đền bù, bồi thường đất đai cho dân. Chính quyền địa phương đã thừa nhận những sai sót này và biện minh cho việc “tiền trảm, hậu tấu” của mình là “nóng vội” muốn nhanh chóng khởi công, đưa công trình vào phục vụ dân sinh nên mới thế, trong đó có cả việc vi phạm Luật Tố cáo, khiếu nại của công dân.
Trên đất nước ta, những sai phạm, sai sót như hai dự án nói trên không phải là hiếm, ngược lại, tình trạng này khá phổ biến. Xây dựng không phép, sai phép, sai mục đích được phê duyệt, áp giá đền bù không đúng, cưỡng chế giải phóng mặt bằng sai luật, gây thiệt hại cho nhân dân, kiếm lợi nhuận khổng lồ từ đất đai của một số nhà đầu tư vẫn thường diễn ra. Do “nóng vội” mà tìm mọi cách “tát cạn, bắt lấy” làm cho kỳ được, đặt những sai phạm vào “việc đã rồi” để hướng tới một sự vô pháp “phạt cho tồn tại”. Khi những sai phạm đó bị phát hiện thì trái với việc khởi công thần tốc, sự khắc phục sai phạm ấy thường diễn ra rất chậm, nhà quản lý hầu như bất lực, báo chí làm ngơ, trong khi dư luận xã hội bức xúc, người dân bất bình.
Liên quan đến quản lý nhà nước, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, UBND TP Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của Nhà nước đã lâu nhưng không nộp tiền sử dụng đất, con số ấy không hề nhỏ, tính đến hết năm 2014 là trên 7.000 tỷ đồng!
Chính phủ chủ trương siết chặt quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực nhưng dường như sự buông lỏng đã trở thành căn bệnh trầm kha. Nay sự thể có khác đi không khi sự buông lỏng gây hậu quả nghiêm trọng đó đã bị phanh phui? Hơn nữa, một người phụ nữ Thủ đô xả rác không đúng quy định bị phạt tới 6 triệu đồng, cách xử phạt nghiêm khắc này nên áp dụng với những cán bộ làm chức năng quản lý nhà nước mà để thất thoát hàng nghìn tỷ đồng!