“Không có ai bị bỏ lại phía sau”
Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, từ những ngày đầu chống dịch, Chính phủ đã ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp… để cùng vượt qua dịch.
Với báo chí, “không có ai bị bỏ lại phía sau” mang một ý nghĩa sâu sắc. Đó là khi truyền thông báo chí đặt vai trò của mình là người phản ánh mọi khía cạnh vấn đề, mọi thông tin, mọi hoạt động chống dịch, đồng thời là những số phận, mảnh đời, những cá nhân, tổ chức trong cuộc chiến chống dịch.
Nhờ có sự phản ảnh chân thực của báo chí, người dân đã hiểu, cảm thông, trân trọng những nỗ lực và thành quả của Chính phủ cùng các cơ quan nhà nước trong công tác phòng chống COVID-19. Những hình ảnh mạnh mẽ, dứt khoát của vị “tướng” Vũ Đức Đam được báo chí truyền tải chân thực đã đem đến niềm tin cho người dân vượt qua biết bao đợt bùng dịch. Để rồi, hình ảnh vị nhà nước ấy cũng trở thành “thần tượng” của không ít người dân Việt.
Qua những ngày tháng chống dịch, cũng có không ít “thần tượng” đến với người dân từ báo chí. Đó là những chiến sĩ biên giới “nằm gai nếm mật”, quên ăn, quên ngủ ngăn chặn dịch tràn qua biên giới. Đó là những y, bác sĩ ở tuyến đầu hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh thời gian và sức khỏe để nỗ lực cứu sống bệnh nhân COVID-19. Hay những dân quân tự vệ trong bức ảnh báo chí, nằm co quắp ngủ nơi góc cầu thang tối, nơi hành lang bệnh viện sau những nỗ lực kiệt sức.
Năm 2020, báo chí phát hiện ra tấm gương Hoàng Tuấn Anh, chủ ATM gạo. ATM gạo sẽ không lan tỏa đến thế, cũng khó có thể trở thành một trong những biểu tượng của sự đoàn kết và lòng nhân ái của người Việt nếu không có sự phát hiện và đưa tin tích cực của truyền thông báo chí. Từ sự phản ánh của báo chí, hình ảnh ATM gạo đến được nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ra khỏi biên giới đất nước và nhận nhiều tình cảm yêu mến, thán phục của bạn bè quốc tế.
Trong những thời điểm dịch, những người làm báo vẫn xông pha đến với mọi phận đời. Từ người nông dân nghèo được mùa nhưng không bán được hàng hóa do phong tỏa. Từ người bán vé số mất tiền thu nhập hàng ngày, bơ vơ không biết đi về đâu. Những lao động nghèo xóm nhập cư trước nguy cơ đói mùa dịch…
Tất cả những phản ảnh sâu sát, kịp thời ấy đã đánh động lương tri xã hội, khiến nhiều địa phương đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời đến những đối tượng khó khăn cụ thể. Như Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây đã có chính sách hỗ trợ người bán vé số mất việc 50 ngàn/ngày/người để “không bị đói” ngày giãn cách. Những bài viết, hình ảnh về phận người khó khăn trong dịch bệnh cũng thức tỉnh cộng đồng, khiến người dân cả nước dấy lên tinh thần nhân ái, người với người tích cực hỗ trợ nhau hơn.
Rồi nhưng câu hỏi mà báo chí đặt ra để phản biện, về các dòng tiền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, số phận của doanh nghiệp các ngành nghề trong và sau dịch sẽ ảnh hưởng thế nào? Những vấn đề sắc sảo được đưa ra cũng giúp cho Nhà nước kịp thời ghi nhận và có thêm những động thái hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.
Góp phần vào công cuộc chống dịch
Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức thời điểm trước ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 21/6 năm 2020, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp to lớn trực tiếp nhiều mặt của truyền thông, báo chí nước nhà vào kết quả phòng, chống dịch. Vai trò của truyền thông, thông tin, với lực lượng hùng hậu, có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của bất cứ sự kiện nào. Lúc khó khăn mới hiểu lòng người, nguyên Thủ tướng cho rằng, sự xông pha, đồng thanh hiệp lực của báo chí chống dịch Covid-19 có ý nghĩa lớn.
Hình ảnh ATM gạo được truyền thông báo chí lan tỏa trong những ngày chống dịch. |
Nguyên Thủ tướng nêu lên vai trò mà báo chí nên đảm nhận, đó là góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Tuyên truyền những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Trong Hội nghị, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, từ thời điểm đầu năm cho đến giữa năm 2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch COVID-19, trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%. Khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu đề cập (dòng trạng thái, bình luận) liên quan tới tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Đó là câu chuyện diễn ra vào một năm trước. Cho đến nay, chưa có thống kê mới về số lượng hình ảnh, bài viết mà truyền thông báo chí đã phản ảnh trong suốt hơn 1,5 năm đất nước chống chọi với dịch COVID-19. Chỉ có thể nói rằng, báo chí đã luôn đồng hành, sát cánh cùng công tác chống dịch của mọi cơ quan, mọi phòng tuyến.
Đã không ít lần, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông “giao nhiệm vụ” cho báo chí tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Những thông tin được báo chí truyền tải như thông điệp tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu của Thủ tướng đối với các địa phương, các quy định mới về tuyên truyền phòng chống dịch. Cũng không ít lần, báo chí được biểu dương tại các địa phương vì tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống Covid-19.
Sự tích cực truyền tải thông tin của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước đã giúp dư luận quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh cũng như công tác chống dịch của Việt Nam. Những thông tin về chiến công của y, bác sĩ, sự hỗ trợ của doanh nghiệp và tinh thần đoàn kết, lạc quan trong dịch của nhân dân đã được cộng đồng người dân thế giới biết đến, thán phục. Các báo chí quốc tế ca ngợi Việt Nam là quốc gia nhỏ bé kiên cường. Trên các diễn đàn nước ngoài, dư luận nhân dân bày tỏ niềm thán phục đến một quốc gia giàu tình người.
Các nhà báo y tế nói riêng và giới báo chí trong nước nói chung cũng thường trực đứng trước những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vì phải xông pha để thực hiện các bài viết, bài phóng sự chân thực, nóng hổi. Trắng đêm tại bệnh viện, theo chân lực lượng phòng chống dịch đến khu cách ly, theo chân các chiến sĩ biên phòng… Và trên thực tế, đã có những nhà báo gánh chịu những rủi ro từ dịch bệnh, trở thành F1, F2…, phải cách ly…
Nhưng tất cả mọi khó khăn không khiến người làm báo chùn chân. Người làm báo vẫn miệt mài săn đuổi tin tức, cập nhật thông tin hữu ích, đấu tranh cho sự thực và những người yếu thế, lan tỏa những điều hay cái đẹp đến với công chúng.
Không có ai bị bỏ lại phía sau - thông điệp do Chính phủ đưa ra từ những ngày đầu chống dịch. Và trong suốt chặng đường, những người làm báo đã góp phần không nhỏ hiện thực hóa thông điệp ấy.