Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực đã khẳng định như vậy tại Hội thảo “Giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, diễn ra hôm nay (28/5) tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ người tham gia tố cáo tham nhũng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của MTTQ Việt Nam.
Hiện nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì thực hiện 2 chương trình giám sát, đó là giám sát cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan; Giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Từ chương trình giám sát này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai và huy động được sự quan tâm của người dân vào hoạt động giám sát, góp phần đẩy lùi tham nhũng.
Đặc biệt, những năm gần đây, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nhằm phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thông qua các bài báo phản ánh hiện tượng tham nhũng, lãng phí, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung phân tích, chọn lọc một số phản ánh có cơ sở và gây bức xúc xã hội để gửi tới các cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để kiến nghị và theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, thông báo cho nhân dân biết.
Nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng MTTQ Việt Nam các cấp không thể tham gia PCTN có hiệu quả nếu không dựa vào các tổ chức thành viên, người có uy tín, tiêu biểu, cốt cán ở cơ sở và sự tham gia trực tiếp của người dân.
“Vị trí của Mặt trận trong công tác đấu tranh PCTN chính là nhân dân được tập hợp lại trong tổ chức Mặt trận... Do đó tính chất xã hội rất rộng rãi, tiếng nói của Mặt trận phải trở thành tiếng nói của nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN này”, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn-Dân chủ, pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam nói.
Vẫn theo ông Đường, Mặt trận phải dựa vào dân, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân phản ánh tham nhũng; phải khơi dậy tính tự giác của quần chúng nhân dân thông qua việc phát hiện những vụ việc trên địa bàn. Nếu Đảng không dựa vào tiếng nói của nhân dân thông qua vai trò của Mặt trận thì công cuộc PCTN không thể thành công.
Khẳng định thế mạnh của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, ông Bùi Xuân Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị phải đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức này. Theo đó, mỗi năm Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng phải đề ra mục tiêu phát hiện được bao nhiêu vụ việc về tham nhũng; đồng thời động viên nhân dân phát hiện, sau đó tập hợp và gửi thẳng lên cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ghi nhận và tiếp thu ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều phải hướng về nhân dân. Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia PCTN và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng xảy ra trên địa bàn.
Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, ông Thực đề nghị cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh PCTN. Mặt trận các cấp cần căn cứ vào những bài báo phản ánh về hiện tượng tham nhũng để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vụ việc cụ thể để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết.
“Có những vụ việc tồn tại lâu chưa thể giải quyết nhưng khi báo chí vào cuộc thì vụ việc đã có tác động tới cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đã có hướng giải quyết hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.