Dấn thân vào “điểm nóng”
Cùng với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, năm 2021, hàng trăm phóng viên ở các cơ quan báo chí khác nhau đã cùng lăn xả vào những “điểm nóng” như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… để có được những hình ảnh, những thông tin chính thống về công tác phòng chống dịch trên mặt báo.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch COVID-19” do Tạp chí Người làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế tổ chức vào tháng 9/2021, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trên tuyến đầu chống dịch. Trong đợt dịch cao điểm, các phóng viên, nhà báo đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến khán giả. Hoạt động buôn bán, sinh hoạt có thể phải ngừng lại nhưng các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình thì không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất.
“Chúng ta vô cùng cảm động khi theo dõi những phóng sự của nhiều cơ quan báo chí, đã làm lay động hàng triệu trái tim. Qua các tác phẩm báo chí, nhân dân cả nước cảm thấu sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, giành giật mạng sống cho từng người dân. Đồng thời, cũng thấy được tinh thần dấn thân, cống hiến của đội ngũ những nhà báo, họ đã đồng hành, sát cánh bên những y, bác sỹ, bên những người bệnh để có những thước phim, tư liệu chân thực nhất về cuộc chiến sinh tử chống COVID-19. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết đã ngời sáng tinh thần quả cảm, đức hy sinh và lòng thương yêu con người…” - nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Trong dòng chảy của tinh thần dấn thân quên mình của các nhà báo, cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có những chuyến trao gửi sự kết nối yêu thương, chung tay hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch tại các địa bàn phức tạp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông đối với phòng chống dịch COVID-19, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo nhận định, từ khi dịch COVID-19 bắt đầu cũng là lúc các phóng viên nỗ lực cao nhất để cập nhật nhanh những thông tin về tình hình dịch bệnh, những kiến thức phòng ngừa hữu ích nhất đến cho người dân. Nhiều nơi được ví như “điểm nóng” tâm dịch COVID-19 đều có mặt của các phóng viên, nhà báo thâm nhập, tác nghiệp, đưa tin nhanh chóng, kịp thời nhất. Ở thời đại mà hoạt động của báo chí và truyền thông không thể tách rời, báo chí và truyền thông đã gắn kết, cùng tạo sức mạnh lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Khẳng định giá trị tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam
Đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những thông tin được cập nhật, trung thực giúp 800 ngàn doanh nghiệp trong nước có biện pháp để vừa phòng chống dịch, vừa tham gia sản xuất.
TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế cho biết ngành Y tế luôn ghi nhận cao nhất những đóng góp của báo chí đối với ngành Y tế. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2021), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết định tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 65 cá nhân xuất sắc về thông tin, truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kịp thời động viên, khích lệ những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, không quản vất vả, gian nan và hiểm nguy của đội ngũ nhà báo.
Tinh thần dấn thân của các nhà báo trong hoạt động tác nghiệp là một điểm rất nổi bật trong năm nay. Ở nơi nào khó khăn, các nhà báo đều có mặt. Dù đó là trên mặt trận chống dịch Covid-19 hay trên mặt trận chống lũ lụt, thiên tai... Các tác phẩm báo chí thuộc các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình… đều thể hiện một cách hết sức sống động với nhiều tác phẩm xuất sắc.
“Điều đó cho thấy sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội của các nhà báo, cho thấy tinh thần dấn thân, tinh thần hy sinh, tinh thần quả cảm của các nhà báo khi tác nghiệp, bởi tác nghiệp ở những địa bàn như vậy là nhà báo phải đối diện với khó khăn, thách thức, hiểm nguy và đôi khi là nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng điều này cũng có nghĩa các nhà báo đã góp phần làm sáng ngời tinh thần chiến đấu của báo chí, tinh thần làm nghề hết sức đúng đắn, dũng cảm để khẳng định giá trị tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam - một nền báo chí lấy nhân dân, đất nước để phục vụ…”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam
Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng của giới báo chí cả nước, diễn ra từ hôm nay (29/12) đến 31/12/2021. Dự Đại hội có lãnh đạo Đảng, Nhà nước , lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên, sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội); nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ...
Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.