Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế

(PLVN) - Quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 không thể bỏ qua vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động. Đây cũng chính là nội dung tọa đàm chuyên đề vào chiều 5/12 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021.
Các đại biểu dự phiên tọa đàm chuyên đề về an sinh xã hội và nguồn cung lao động.
Các đại biểu dự phiên tọa đàm chuyên đề về an sinh xã hội và nguồn cung lao động.

Có thể giúp GDP tăng thêm 0,5 - 2%

Dẫn Báo cáo “Tương lai việc làm” được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, bất chấp tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người.

Báo cáo kêu gọi khu vực công cần tạo ra các động lực để đầu tư vào thị trường và việc làm trong tương lai; cung cấp các mạng lưới an sinh tốt hơn cho những người lao động bị dịch chuyển trong quá trình chuyển đổi công việc.

Bên cạnh đó, khu vực công cần giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của hệ thống giáo dục và đào tạo; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động gặp rủi ro hoặc phải di dời.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc suy thoái kinh tế lần này đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi thế giới việc làm, thị trường lao động.

Ông Trương Anh Dũng cho biết thêm, WEF kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19, bởi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 - 2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Phân tích thực tế của lao động Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến người lao động.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến người lao động.

Về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo. Song song với đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.

Xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở

Từ điểm cầu Bắc Giang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nêu rõ một số bài học kinh nghiệm của địa phương trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Theo đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và hỗ trợ kịp thời về nguồn lực của Trung ương, sự sẻ chia của các tỉnh bạn và nhân dân cả nước, chính quyền cần thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động; mọi ý kiến của doanh nghiệp và người lao động được lắng nghe, kịp thời tháo gỡ.

Bên cạnh đó, thông tin về các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch, khôi phục sản xuất của tỉnh cần được thông suốt, mạch lạc, có lộ trình rõ ràng, hạn chế việc thay đổi đột ngột và luôn tính đến yếu tố chi phí của doanh nghiệp, người lao động trong việc việc chấp hành, tuân thủ các quy định do chính quyền đề ra ở mức thấp nhất.

Xác định lao động tại các khu công nghiệp là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước, ông Phạm Văn Thịnh đề nghị trong Chương trình phục hồi kinh tế -xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.

Cụ thể, Quốc hội và Chính phủ nên xem xét 2 giải pháp. Một là, tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp (sửa đổi Nghị định 100 năm 2015 và Nghị định 49 năm 2021) và nâng cao chất lượng công trình, hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.

Hai là, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành. Nguồn tiền gửi của quỹ là từ các doanh nghiệp sử dụng lao động (với yêu cầu bắt buộc) và nguồn gửi từ người lao động (có nhu cầu mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội - khuyến khích, không bắt buộc).

Song song với đó, Quốc hội và Chính phủ cần sửa đổi Luật Nhà ở và bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thuê, mua lại hoặc tự xây ký túc xá cho công nhân.

Đọc thêm