Bảo đảm an toàn cho người cao tuổi khi tham gia giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tốc độ dân số già hóa nhanh. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và tăng lên hơn 25% vào năm 2050. Dự đoán năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Việc bảo đảm an toàn cho người cao tuổi khi tham gia giao thông cũng là một vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Pngtree.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Pngtree.com)

Rủi ro khi người cao tuổi lái xe

Tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhận định: “Giai đoạn dân số vàng đã qua, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam diễn ra rất nhanh, vì vậy, chúng ta cần có chính sách tương xứng nhằm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”.

Trong lĩnh vực an toàn giao thông, số lượng người cao tuổi sử dụng xe máy, xe ô tô lưu thông trên đường hiện không hiếm và sẽ tăng trong tương lai. Mặc dù phần lớn những người cao tuổi điều khiển phương tiện hiếm khi mắc phải những lỗi như chạy quá tốc độ hay uống rượu, bia khi tham gia giao thông, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Điển hình là vụ việc vào tháng 4, ông H.N.V (sinh năm 1960) đã điều khiển xe đâm liên tiếp 17 xe máy trên đường Võ Chí Công, Hà Nội do đạp nhầm chân ga. Vụ tai nạn liên hoàn khiến 18 người bị thương, 3 người bị thương rất nặng. Trước đó, một cụ ông sinh sống tại thành phố Đà Nẵng đã đột ngột mất kiểm soát tốc độ khi điều khiển xe máy, lao xe lên vỉa hè tông vào gốc cây rồi tử vong tại chỗ. Hay vào năm 2020, tại TP HCM, một tài xế xe ôm công nghệ 64 tuổi đang tham gia giao thông bị một chiếc ô tô Mercedes chở bốn người tông tử vong.

Với tình hình giao thông thường diễn biến phức tạp, tỷ lệ tai nạn giao thông cao ở nước ta, người điều khiển phương tiện đòi hỏi phải bảo đảm các yếu tố về sức khoẻ, phản xạ và hiểu biết khi lưu thông trên đường, nhằm phòng tránh rủi ro, tránh vi phạm pháp luật. Theo thống kê, năm 2022, cả nước xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người; trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến độ tuổi trên 55 có xu hướng tăng nhẹ so với năm trước đó.

Kinh nghiệm bảo đảm an toàn giao thông

Theo ý kiến của một số bác sĩ, từ khoảng 50 đến 60 tuổi, mọi người bắt đầu giảm khả năng phân chia sự chú ý của họ giữa nhiều việc cùng một lúc - vốn là một kỹ năng cần thiết để lái xe tốt. Ngay cả việc sử dụng thuốc an thần, thuốc dành cho các bệnh huyết áp, tiểu đường cũng làm giảm khả năng tập trung, chú ý của người già khi lái xe, từ đó có thể hạn chế phản xạ, hoặc khiến người cao tuổi đạp nhầm chân ga trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, càng về già, thị lực của con người càng suy giảm nên việc đi lại, tham gia giao thông rất khó khăn. Hơn nữa, người cao tuổi không chỉ dễ có nguy cơ gặp tai nạn, mà khi bị tai nạn cũng khó hồi phục hơn. Độ tuổi này, xương dễ gãy và khó liền do tình trạng loãng xương, các vết thương dễ hoại tử, nhiễm trùng làm cho quá trình điều trị kéo dài. Ngoài ra, người cao tuổi thường có các bệnh nền, tiềm ẩn nguy cơ tai biến, biến chứng trong quá trình điều trị.

Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, việc đầu tiên để người cao tuổi gia hạn giấy phép lái xe là kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt. Ở bang California - Mỹ, nơi đang sắp bị “làn sóng” già hóa dân số “tấn công”, từ ngày 1/1/2023, tất cả những người trên 70 tuổi đều phải làm bài kiểm tra mắt và viết để được gia hạn bằng lái xe. Ở Đức, dù không giới hạn tuổi khi tham gia giao thông, nhưng nếu các cơ quan chức năng nghi ngờ khả năng lái xe của người cao tuổi, có thể yêu cầu họ đến kiểm tra sức khỏe, như mắt và một số giác quan khác. Nếu không đạt yêu cầu, họ hoàn toàn có thể bị tước giấy phép lái xe. Ở Nhật Bản, với tỷ lệ dân số già cao, việc tự lái xe của người cao tuổi là không thể tránh khỏi và mỗi năm có nhiều vụ tai nạn do người già gây ra. Chính phủ Nhật Bản đã quy định về cách gia hạn giấy phép lái xe, đồng thời gắn tem vào các xe.

Ở Việt Nam, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về phân hạng giấy phép lái xe, Thông tư 01/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 12 thì đối với người cao tuổi tham gia giao thông bằng xe ô tô chỉ gia hạn với bằng lái xe B1, thời hạn đối với nữ đến 55 tuổi và nam đến 60 tuổi. Đối với trường hợp lái xe nữ trên 45 tuổi và nam trên 55 tuổi thì giấy phép lái xe có thời hạn 10 năm kể từ ngày được cấp.

Còn đối với xe máy, mặc dù là phương tiện phổ biến nhưng việc kiểm soát độ tuổi lái xe vẫn gặp nhiều khó khăn. Như đối với giấy phép lái xe máy không yêu cầu về giới hạn tuổi tác hay sức khỏe dành cho những người trên 55 tuổi, chỉ cần người lái thi sát hạch đạt là sẽ được tiếp tục lái xe. Chính vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là phản xạ và mắt của người cao tuổi khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.

Đọc thêm