Người lao động là vốn quý nhất
Ngày 25/12/1958, khi đi thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phải bảo đảm an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”. Cho đến nay, thực tế đã minh chứng, việc cải thiện, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ góp phần nâng cao hiệu suất lao động, kéo giảm các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mà còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho người lao động ngày càng làm việc hăng say, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, công tác chăm lo, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng.
Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 18/9/2013 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, công tác bảo đảm ATVSLĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ đã có sự chuyển biến rõ rệt: Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATVSLĐ được củng cố tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; có sự phân công, phân cấp, ủy quyền, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ được tăng cường. Tổ chức tư vấn cải thiện điều kiện ATVSLĐ cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh. Mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển dịch vụ huấn luyện, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động.
Cùng với đó, tình hình tai nạn lao động có chiều hướng giảm, trong khi điều kiện lao động được cải thiện đáng kể qua các năm. Phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ phát triển mạnh trong các cấp Công đoàn, thúc đẩy hàng nghìn sáng kiến cải thiện điều kiện lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành lập mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ được lan tỏa với các hình thức tiếp cận đa dạng nhằm chuyển tải thông tin tới người lao động...
Tính tại dấu mốc năm 2023, dù trải qua thời kỳ khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, kéo theo các thách thức về ATVSLĐ trong quá trình phát triển kinh tế, công tác ATVSLĐ năm vừa qua vẫn cho thấy nhiều kết quả khả quan. Ví như, tình hình tai nạn lao động giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng; có hơn 21 nghìn công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về ATVSLĐ, với hơn 1,3 triệu người tham gia, huy động hơn 89 nghìn sáng kiến cải thiện điều kiện lao động…
Để đạt được những thành tựu đáng kể này cần phải nhắc tới sự song hành của quá trình xây dựng và ban hành các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác ATVSLĐ. Những con số đáng chú ý như Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 8 luật có liên quan đến ATVSLĐ, đó là Bộ luật Lao động, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật ATVSLĐ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Dầu khí. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành 17 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định, các Bộ ban hành 135 thông tư. Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế đã ban hành 50 quy chuẩn, cùng với hàng trăm quy chuẩn của Bộ khác liên quan. Các địa phương ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân để tổ chức triển khai thực hiện.
Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII năm 2021 đã đặt ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phải “giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”. Như vậy, công tác ATVSLĐ chính là một trong những mắt xích tất yếu trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người.
Hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh mới
Chính sách pháp luật góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. (Ảnh: thuvienphapluat.vn). |
Dù vậy, thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan có thể kể tới: một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa quan tâm tới công tác ATVSLĐ, dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên. Nhiều người lao động và người sử dụng lao động còn thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, nhưng vẫn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm, chú ý chấp hành đúng pháp luật về ATVSLĐ. Việc khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và điều trị, phục hồi chức năng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về ATVSLĐ còn chưa theo kịp quá trình phát triển sản xuất.
Các nguyên nhân khách quan phải nhắc tới những thách thức mới phát sinh trong tình hình hiện nay. Nổi bật như biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết, thiên tai cực đoan, khó lường, trong khi đô thị hoá và công nghiệp hoá vẫn ngày càng phải đẩy nhanh. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng liên tục xuất hiện nhu cầu về các thị trường mới như chất bán dẫn, tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, quá trình đẩy mạnh các ngành khai khoáng, xây dựng, cơ khí, chế tạo, lắp ráp và quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp cũng làm tăng thêm nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đáng nói, việc hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế đòi hỏi công tác ATVSLĐ tại Việt Nam phải nâng cao hơn nữa, tương ứng các nước phát triển. Ví dụ như, các tiêu chuẩn ATVSLĐ cũng là một trong những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước phát triển.
Rõ ràng, bối cảnh mới đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác ATVSLĐ. Do vậy, ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, nhằm kịp thời cập nhật những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đáp ứng yêu cầu tình hình mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, Chỉ thị số 31-CT/TW đặt ra các mục tiêu như: Tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%; Số cơ sở phát hiện yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%. Theo đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đặc biệt cần chú trọng tới việc bảo đảm quyền của người lao động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
An toàn lao động là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như quản lý và tiết kiệm tài nguyên, quản lý quy trình sản xuất và kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người, phòng ngừa rủi ro trong lao động, các tiêu chuẩn quốc tế… Bởi vậy, trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách mới được xây dựng, nhằm hướng tới tạo ra những đột phá sâu rộng hơn trong công tác ATVSLĐ nói riêng và an ninh con người nói chung. Cùng với đó, công tác phản biện xã hội cũng rất quan trọng, bảo đảm nâng cao nhận thức và tiếng nói của người lao động, cũng như các bên liên quan trong tiến trình xây dựng chính sách hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu cấp bách từ thực tế.