Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay trên cả nước ước tính có khoảng 16.000 người bán dâm (gồm số người được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt hành chính, hỗ trợ xã hội,…). Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn rất nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.
Tình trạng mại dâm trá hình "núp bóng" trong cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn tiếp diễn, nhất là ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng nhân viên nữ múa thoát y khiêu dâm, kích dục… Có sự đan xen giữa tổ chức mại dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy gây dư luận xấu, phức tạp về an ninh trật tự. Có tình trạng người nước ngoài lợi dụng đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam để hoạt động mại dâm.
Mại dâm biến tướng theo "hợp đồng", "nhận con nuôi, bố nuôi" (sugar baby, sugar daddy), đường dây "gái gọi" diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, với nhiều hình thức như núp dưới danh nghĩa thuê người yêu, tour du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm...
Hình thức hoạt động mại dâm khá phổ biến là qua các thiết bị công nghệ, trang web “đen”, các hội nhóm kín trên trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Viber, WhatsApp, Instagram, Tiktok, Threads, Bingo Live… để quảng cáo, chào mời khách mua dâm, đăng tin về người bán dâm; hoặc qua đối tượng chủ chứa. Hoặc lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân trên mạng xã hội, sử dụng biệt danh, tài khoản ảo để môi giới mại dâm.
Khách mua dâm là người quen, thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng; sử dụng, thuê phòng tại các khu chung cư được lắp đặt hệ thống camera giám sát để chứa chấp hoạt động mua bán dâm, gây khó khăn cho việc phát hiện, triệt phá, xử lý của cơ quan chức năng.
Tình hình hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục trên các tuyến biên giới, vùng biển vẫn diễn ra, thủ đoạn tinh vi, hình thức tổ chức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các khu vực có hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí và thường có liên quan đến địa bàn biên giới (trọng điểm là khu vực biên giới tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; vùng biển các tỉnh, thành Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau...).
Các đối tượng trong nội địa câu kết chặt chẽ với đối tượng ở khu vực biên giới hình thành đường dây, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ dưới hình thức môi giới lao động, môi giới hôn nhân, tạo việc làm mức lương cao sau đó ép buộc bán dâm, tổ chức bán dâm cho khách mua dâm ở khu vực biên giới.
Phát hiện một số đường dây mại dâm "gái gọi hạng sang", có sự tham gia của một số người mẫu, hoa khôi, diễn viên, sinh viên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam, xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm... ; đường dây dụ dỗ, lôi kéo vị trẻ thành niên vào hoạt động mại dâm. Các đối tượng mua, bán dâm không chỉ có người Việt Nam mà có cả người nước ngoài.
Năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3.340 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (tăng 1,04 lần so với 2023). Trên cả nước vẫn còn tồn tại 136 tụ điểm, địa bàn có hoạt động mại dâm khu vực công cộng.
Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tiến hành phối hợp với các Bộ, ngành tập trung rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật và xã hội liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật (đề xuất dự án Luật Phòng, chống mại dâm) phù hợp với tình hình mới; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về thực hiện công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.
Cục sẽ tăng cường các hoạt động phòng ngừa, triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Tổng kết, đánh giá Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất xây dựng Chương trình giai đoạn 2026 - 2030, định hướng 2040.
Cũng theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, tính đến 14/12/2024, các cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 80.020 người.
Hiện các CSCNMT công lập đang tổ chức cai nghiện cho 50.777 người, trong đó có 42.545 người thuộc diện CNMT bắt buộc theo quyết định áp dụng biện pháp xử lý phạm hành chính của Tòa án (239 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người CNMT tự nguyện là 3.635 người (166 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ 4.597 người.
Cả nước có 13 CSCNMT tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập, trong năm 2024 đã điều trị, cai nghiện cho 1.955 người, trong đó số tiếp nhận mới 1.429 người, số chuyển từ năm 2023 sang 526 người, số tái hòa nhập cộng đồng 1.457 người, hiện đang tổ chức cai nghiện cho 498 người.
Với CNMT tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, trong năm 2024 có 3.781 người đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại 27 tỉnh, thành và tổ chức CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 2.689 người.
Điều kiện cơ sở vật chất của nhiều CSCNMT công lập chưa đáp ứng được quy định tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP, do nhiều cơ sở được tận dụng từ nhiều loại hình cơ sở khác; đã đưa vào hoạt động lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải; cần thiết được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Nhiều cơ sở chưa bảo đảm việc phân khu.
Đội ngũ viên chức, người lao động tại CSCNMT hạn chế về số lượng, năng lực chuyên môn sâu về tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy, trong khi khó tuyển dụng người có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm. Hiện nay còn 24/97 CSCNMT chưa có bác sĩ.
Một số người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo, đăng ký CNMT, không có khả năng đóng góp chi phí. Nhiều gia đình người nghiện ma túy vẫn còn mặc cảm, tự ti nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Việc theo dõi, quản lý và tiếp cận cảm hóa giáo dục người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường không có mặt tại nơi cư trú.