Chỉ sửa đổi những quy định thực sự là “điểm nghẽn”
Sáng 28/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật chỉ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương, những vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản, mang tính phổ quát, thực sự là “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính thời gian qua.
Để bảo đảm phù hợp với tổ chức bộ máy đã và đang được sắp xếp, tổ chức lại, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức quản lý điều hành đồng thời với việc cải tổ tổ chức bộ máy, nâng cao tính ổn định, khả năng dự báo của Luật, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi quy định về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách. Theo đó, cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước thay vì phải xin ý kiến UBTVQH như quy định hiện hành.
Về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng những thay đổi trong tổ chức bộ máy, đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương tăng cường tính tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ thuộc thẩm quyền.
![]() |
Quang cảnh phiên họp UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hiệu trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến, theo hướng quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm, đồng thời, giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Riêng vi phạm hành chính về thuế, kiểm toán độc lập, việc xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trong hai lĩnh vực này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, trước thực trạng tình hình vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra còn phổ biến, các đối tượng vi phạm lợi dụng “kẽ hở” trong quy định về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để cố tình trốn tránh trách nhiệm, dự thảo Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này là 3 năm nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo đảm thống nhất với lĩnh vực quản lý nhà nước khác.
Về mức phạt tiền tối đa, dự thảo Luật bổ sung một số lĩnh vực như lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương; dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực (phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng) để tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực “nóng”, xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm khả năng thi hành trong thực tiễn, không tạo ra áp lực quá lớn đối với người vi phạm.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật XLVPHC (tại khoản 27 Điều 1 dự thảo Luật) theo hướng bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện theo hướng: quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ (như: thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật đối với loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản phù hợp).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản…
Đề xuất có quy định về thẩm quyền xử phạt đặc thù
Sau khi nghe trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật và định hướng thảo luận của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga đề nghị chỉ sửa những điều khoản liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, những vấn đề khác sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi trình QH tại Kỳ họp thứ 10. Về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm ATGT đường bộ, đối với vi phạm về tố tụng 3 năm dài quá, giữ nguyên như Luật hiện hành.
Bà Nga tán thành nâng mức xử phạt tối đa đối với vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giải quyết khiếu nại tố cáo; tiếp tục rà soát thêm về thẩm quyền xử phạt; cần cân nhắc thêm việc giữ và cho phép bán phương tiện vi phạm vì liên quan đến quyền tài sản của công dân.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của QH Phan Văn Mãi đề xuất có quy định về thẩm quyền xử phạt đặc thù. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của QH Phan Văn Mãi đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng về thẩm quyền xử phạt đặc thù cho một số địa phương để bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, có công cụ quản lý xã hội hiệu quả nhưng cũng kiến tạo phát triển. Về việc cho phép bán phương tiện vi phạm thì ông Mãi lại cho rằng, chúng ta cũng luôn khẳng định phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật nhưng người vi phạm lại sử dụng phương tiện để vi phạm pháp luật, do đó hoàn thiện chặt chẽ trình tự, thủ tục để cơ quan nhà nước xử lý cho đúng quy định là rất cần thiết.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự cấp bách, thực sự cần thiết phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bám sát yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Các nội dung khác đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi toàn diện tại Kỳ họp thứ 10 của QH.
UBTVQH tán thành tăng thời hiệu trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến nhằm khắc phục vướng mắc thời gian qua và bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về về đề xuất sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong lần sửa đổi toàn diện.
![]() |
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên làm việc. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Về mức phạt tiền tối đa, UBTVQH tán thành bổ sung lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đồng thời, thuyết minh lý do bổ sung, cơ sở xác định mức phạt tối đa trong các lĩnh vực mới, những lĩnh vực chưa thực sự cần thiết thì tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện.
UBTVQH cũng tán thành việc sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời bãi bỏ các điều quy định thẩm quyền xử phạt của từng chức danh cụ thể để phù hợp với yêu cầu Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính ổn định. Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng những nội dung bổ sung, bảo đảm chặt chẽ hài hòa giữa yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ với yêu cầu xử lý vụ việc nhanh, gọn, chống lãng phí tài sản…