Kết quả đạt được tích cực hơn
Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp QH rất lớn nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào Chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp QH, phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH. Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể. Việc xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp kết luận, kiến nghị xử lý trong kỳ báo cáo còn chậm, chưa kịp thời, dứt điểm…
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải triển khai thi hành và kiểm tra việc triển khai thi hành. Đánh giá, thời gian qua, việc triển khai đã được thực hiện hết sức quyết liệt, nhưng Chủ tịch QH cũng cho rằng cần phải đổi mới việc triển khai và kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH một cách “tới nơi, tới chốn”. “Chỗ nào làm tốt, chỗ nào làm chưa tốt? Làm tốt thì phải có biểu dương, khen thưởng kịp thời, còn chỗ nào làm chưa tốt thì phải phê bình, kiểm điểm”, Chủ tịch QH đề nghị.
Theo Chủ tịch QH, gốc xây dựng pháp luật phải từ các Bộ, ngành. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vụ có liên quan phải “ngồi nhiều lần, nhiều cuộc, phải xem từng khoản, từng điều, từng chương của luật, nghị quyết thì luật, nghị quyết mới có chất lượng”. Các cơ quan trình làm kỹ lưỡng thì khi gửi sang Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH mới thẩm tra trúng, đúng các vấn đề. Chủ tịch QH yêu cầu, không chỉ các Bộ, ngành mà Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thời gian tới cũng cần nề nếp, kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật để thể hiện chính kiến, với mong muốn cuối cùng là luật, nghị quyết ra đời phải có chất lượng và tuổi thọ.
Nhắc lại Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch QH yêu cầu việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng đoạn, đạt yêu cầu về chất lượng, không chạy theo số lượng, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. “Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi bất cứ một lợi ích nhóm cục bộ nào trong xây dựng pháp luật”, Chủ tịch QH nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật theo đối tượng theo vùng miền; đồng thời tăng cường đăng tải tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật lên mạng xã hội để Nhân dân kịp thời, nhanh chóng nắm được nội dung các văn bản pháp luật hiện hành.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Chính phủ về việc đổi mới mạnh mẽ hơn công tác theo dõi triển khai và kiểm tra thi hành pháp luật gắn với trách nhiệm của những cơ quan và cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, sẽ hạn chế tối đa những chế định không thuộc thẩm quyền và không thuộc chế định cần phải luật hóa, đưa vào luật. “Trong một thời gian dài chúng ta có quan điểm là luật phải chi tiết, cụ thể để có thể triển khai hiện ngay, hạn chế việc ban hành các văn bản quy định chi tiết để luật có thể đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, với quan điểm mới, tư duy mới, cách tiếp cận mới về công tác xây dựng pháp luật, chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, các cơ quan để việc ban hành luật đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và hạn chế tối đa những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ”, Bộ trưởng nêu rõ.