Tư duy mới, đột phá của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Tại Hội Nghị Trung ương 6 khoá XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. So với các Nghị quyết về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong các Hội nghị trước đây và các Văn kiện Đại hội Đảng từ khoá VI đến khoá XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW khoá XIII đã thể hiện rõ tư duy mới, đột phá của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Trong đó, nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng sáng tỏ. Theo đó, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Nhận thức đó của Đảng ta cho thấy rõ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một phương thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước dựa trên thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện
Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Cả phương diện lí luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, chất lượng thể chế sẽ quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia. Vì vậy, tại Đại hội XIII, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển mà nòng cốt là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được xem là một trong các đột phá chiến lược để “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Đây là một trong những xu thế đương đại mà nhà nước trên thế giới đang thực hiện nhằm chuyển đổi mô hình nhà nước từ “cai trị, quan liêu” sang “phục vụ, kiến tạo phát triển”.
Do đó, trước hết, Nghị quyết số 27-NQ/TW khoá XIII xác định “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Để thực hiện được các yêu cầu quan trọng này, Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách để bảo đảm chủ quyền Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từng bước hướng đến xây dựng cơ chế để “dân có quyền quyết một số vấn đề hệ trọng ở cấp cơ sở và cả nước”, bảo đảm Nhân dân là trung tâm, là chủ thể chính trong quy trình chính sách; phát huy vai trò của các chủ thể phi nhà nước trong quản lí phát triển xã hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, phân định thẩm quyền, đẩy mạnh xã hội hoá trong cung ứng dịch vụ công, thực hiện một số cơ chế đặc thù trong vận hành nền hành chính công, như cơ chế đối tác công - tư (PPP); đầu tư tư - sử dụng công; thuê hạ tầng... Qua đó tiết kiệm nguồn lực công, nâng cao hiệu suất sử dụng ngân sách nhà nước. Thông qua đó, Nhà nước cũng giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Đại hội XIII cũng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại có đủ “sức cạnh tranh quốc tế” nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và mang lại hiệu quả cao ở nước ta. Chính vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
|
Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. (Ảnh: TTXVN). |
Tiếp tục đổi mới bộ máy hành chính nhà nước
Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, những nhiệm vụ mang tính đột phá về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới tập trung vào giải quyết các trọng tâm gồm tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; xây dựng nền hành chính phục vụ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; xây dựng nền tư pháp liêm chính; xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, pháp quyền; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.
Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định “xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”. Đây là yêu cầu tối quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Để thực hiện được yêu cầu này, trước hết cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 3 trụ cột chính là tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số, đặc biệt là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.
Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng xác định: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Để xây dựng nền tư pháp liêm chính, cần bảo đảm độc lập của toà án, “hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp toà án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử”. Điều này nhằm khắc phục tình trạng “chỉ đạo án”, từ đó dẫn đến việc thiếu khách quan trong xử lí các vụ án, dẫn đến những sai sót trong quá trình xét xử, dẫn đến “bẻ cong công lí”.
Tiếp tục cải cách tư pháp
Một nhiệm vụ quan trọng là Toà án nhân dân tối cao cần tiếp tục đẩy mạnh “xây dựng toà án điện tử” để giải quyết các vụ án nhanh, kịp thời, phù hợp với xu thế chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện được yêu cầu này, trước hết cần phải đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông chuyên dụng; hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động xét xử trực tuyến; bổ sung các quy định về sử dụng tài liệu, hồ sơ, chứng cứ điện tử; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, hội thẩm nhân dân thực hiện thuần thục các tác nghiệp trên môi trường điện tử khi tham gia các phiên toà trực tuyến.
Nghị quyết số 27-NQ/TW khoá XIII đã đưa ra nhiều quan điểm, định hướng và nhiệm vụ mới trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong điều kiện mới. Để hiện thực hoá khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhà nước ta cần thực hiện quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên, trong đó luôn hướng đến mục tiêu “Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ” nhằm củng cố và khẳng định bản chất bền vững của Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.