Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí khi thực hiện truyền thông chính sách

(PLVN) - Trong quá trình truyền thông chính sách, các cơ quan Nhà nước cần cân nhắc giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối “sàng lọc” các nhu cầu cung cấp thông tin của báo chí..., đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định.

Chiều 24/11, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác truyền thông của ngành Thông tin & truyền thông; phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí chuyên trách truyền thông của Bộ.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Công Anh -Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) đã công bố việc hình thành Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ, ngành với các cơ quan báo chí. Mạng lưới truyền thông gồm 32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; 63/63 Sở TT&TT...

Giám đốc Trung tâm Thông tin Đỗ Công Anh công bố việc hình thành Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT thống nhất. (Ảnh: PV)

Giám đốc Trung tâm Thông tin Đỗ Công Anh công bố việc hình thành Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT thống nhất. (Ảnh: PV)

Đặc biệt, Mạng lưới có sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí góp phần quan trọng làm tốt công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ ngành TT&TT được Đảng, Nhà nước giao.

Thông tin về kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin ứng xử đối với báo chí, truyền thông, Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo, nêu rõ: Hệ thống báo chí của nước ta hiện nay có 127 cơ quan báo chí; 670 cơ quan tạp chí (318 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; 64 Đài phát thanh, truyền hình ở địa phương; 5 đơn vị hoạt động truyền hình. Đồng thời, đã hoàn thành sắp xếp quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương.

Bà Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, truyền thông chính sách theo cách làm cũ là tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện; chỉ cung cấp thông tin, ít chú ý đến câu chuyện; chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách; nặng về “định tính” hơn “định lượng”; dồn trách nhiệm lên “người phát ngôn”, không nghĩ rằng phát ngôn là tổng thể rất nhiều yếu tố (văn bản, hình ảnh, video, chính sách ban hành...).

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ về kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin ứng xử với báo chí, truyền thông. (Ảnh: PV)

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ về kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin ứng xử với báo chí, truyền thông. (Ảnh: PV)

Cách nghĩ, cách làm mới đối với truyền thông chính sách là muốn quản lý được, phải nhìn thấy được (đo đếm được, đánh giá và điều tiết được xu hướng thông tin...); truyền thông đi trước, bằng nhiều phương thức để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận. Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ báo chí cách mạng. Báo chí là kênh chủ lực cho truyền thông chính sách…

Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, đối với việc truyền thông chính sách, cơ quan Nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng; thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí; đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương…

Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT, Hội Nhà báo địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban, Bộ, Hội Trung ương để quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí, xử lý nghiêm vi phạm; cân nhắc, không cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích trong giấy phép hoạt động; tránh việc tiếp xúc cùng một lúc nhiều cơ quan báo chí khi hẹn lịch làm việc, trừ hội nghị, họp báo... Các cơ quan Nhà nước cũng cần cân nhắc giao Sở TT&TT làm đầu mối “sàng lọc” các nhu cầu cung cấp thông tin của báo chí, gợi ý cách cung cấp thông tin phù hợp, đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, nhằm phòng ngừa và đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; tổ chức truyền thông trên báo chí, trên mạng xã hội trong và ngoài nước về Bộ cẩm nang dưới nhiều hình thức... Đặc biệt, đã triển khai Kế hoạch truyền thông nâng cao ý thức người dùng mạng Internet tại Việt Nam với các chuỗi chương trình cụ thể như Chiến dịch “Tin” truyền đi thông điệp “Không gian ảo, niềm tin thật” - nâng cao khả năng nhận biết và phòng tránh tin giả, tin sai sự thật; Cuộc thi Anti Fake News dành cho học sinh, sinh viên, nhà sáng tạo nội dung, người sử dụng mạng xã hội; các hội thảo, tọa đàm về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng chống tin giả…

Các đại biểu cũng đã nghe phổ biến, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT giai đoạn 2023 - 2025; phát triển kinh tế số - xã hội số trong thời kỳ mới và các nội dung được xã hội, dư luận quan tâm cần đẩy mạnh tuyên truyền; vấn đề an toàn thông tin trong tình hình mới; quy trình phát triển, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động có sử dụng video call.

Đọc thêm