Cần giảm bớt số vụ vi phạm phải “đẩy” lên cấp trên
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết, Luật XLVPHC năm 2012 được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh XLVPHC năm 2002, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có sự sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, ông Sơn tổng hợp 16 vấn đề thuộc 3 nhóm cần sửa đổi, bổ sung như thẩm quyền xử phạt VPHC; giao quyền xử phạt cho cấp phó; trình tự, thủ tục xử phạt VPHC; xử lý tang vật, phương tiện VPHC; đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…
Cụ thể, về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền, ông Sơn cho biết: So với Pháp lệnh XLVPHC, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tại Luật XLVPHC đã tăng lên đáng kể để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân.
Bên cạnh đó, Luật XLVPHC cũng tăng mức phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cơ sở (như Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã…) nhằm giảm bớt số vụ vi phạm phải “đẩy” lên các cơ quan, người có thẩm quyền ở cấp cao hơn để xử lý.
Hiện nay, theo quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC của các chức danh có thẩm quyền xử phạt phụ thuộc vào mức phạt tiền của chức danh đó, nghĩa là một chức danh có thẩm quyền phạt tiền đến mức bao nhiêu thì chỉ được phép tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến mức đó.
Trên thực tế, trong hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện đều rất lớn, vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cơ sở. Do vậy, các quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền xử phạt tiền bộc lộ nhiều bất cập, phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên.
Từ đó dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC của các chức danh có thẩm quyền xử phạt được quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC theo hướng không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền để bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt, tránh “dồn việc” lên cơ quan cấp trên giải quyết.
Sẽ tăng cường “phạt nguội”?
Cũng theo ông Sơn, thời gian vừa qua, việc triển khai quy định tại Điều 64 Luật XLVPHC liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC để làm căn cứ ra quyết định xử phạt (thường gọi là “phạt nguội”) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật XLVPHC chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc xử phạt; phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC cũng chưa được quy định rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau (chỉ “cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt VPHC” hay cả các cá nhân, tổ chức khác)…
Do vậy, ông Sơn đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 64 Luật XLVPHC liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC về trật tự, an toàn giao thông (ví dụ, các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt), không chỉ “cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt VPHC” được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC về trật tự, an toàn giao thông như quy định hiện nay tại khoản 1 Điều 64 Luật XLVPHC.
Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể về quy trình “chuyển hóa” kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp thành các chứng cứ để làm căn cứ cho người có thẩm quyền xử phạt có thể ban hành quyết định xử phạt VPHC.
Các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí cho rằng lĩnh vực XLVPHC là lĩnh vực khó, phạm vi điều chỉnh rộng, vướng mắc trên thực tế thời gian qua là khá rõ ràng và tán thành trước mắt chỉ nên sửa đổi những vấn đề thực sự cấp thiết. Trong đó, các ý kiến tập trung vào đề xuất làm rõ mối quan hệ của Luật này với các luật khác, trước hết là Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng như các kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề của Luật.
Bàn về thẩm quyền, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, qua khảo sát thực tế đã có nhiều kiến nghị nên chăng quy định Chủ tịch UBND quận có thẩm quyền xử phạt VPHC cao hơn Chủ tịch UBND huyện.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh phản ánh trong lĩnh vực hộ tịch, thủ tục xử phạt còn rườm rà, mức phạt có tăng hay không cũng không giải quyết được tình trạng vi phạm tràn lan hiện nay. Do vậy, cần tính toán có những quy định để có thể phạt ngay và luôn, không cho người vi phạm cơ hội tẩu thoát…
Riêng vấn đề “phạt nguội”, Lãnh đạo Bộ cơ bản ủng hộ việc quy định sao cho bảo đảm tính khả thi. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, “phạt nguội” các nước đã làm từ lâu rồi, vào những năm 70-80 thế kỷ trước, còn chúng ta vẫn đang tính đến phải làm sao để thúc đẩy hơn là quá lạc hậu.
Bộ trưởng Lê Thành Long đồng tình khi cho biết ở các nước rất khó thấy bóng dáng công an, cảnh sát nhưng cứ thử VPHC xem, ngay lập tức người có thẩm quyền sẽ xuất hiện để xử phạt.