Đề cao nguyên tắc “lấy người dân làm trung tâm”
Tham dự tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, MTTQVN rất vinh dự là một trong những tổ chức đại diện cho quyền lợi của người dân cũng như được các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện tham gia các hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL).
Theo Quyết định 25, MTTQVN được quy định nhiều vai trò, nổi bật với hai vai trò rất quan trọng là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, huy động sự tham gia của người dân vào đánh giá chuẩn TCPL và phối hợp cùng các cơ quan nhà nước tham gia hoạt động đánh giá tại địa phương.
Đây là những nhiệm vụ phù hợp với vị trí, chức năng của MTTQVN và các tổ chức thành viên, đặc biệt quá trình xây dựng, ban hành Quyết định 25 và các Thông tư liên quan cũng ghi nhận nhiều ý kiến của MTTQVN, từ đó chúng ta có được Bộ tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên đánh giá cao nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm. |
Qua theo dõi tổng hợp, có thể thấy MTTQ các cấp rất trách nhiệm, kịp thời trong ban hành văn bản hướng dẫn; MTTQ cấp trên theo sát hoạt động của MTTQ cấp dưới, phát huy vai trò của Ban Công tác mặt trận ở cơ sở; MTTQ cấp xã, huyện tham gia sâu, sát vào hoạt động đánh giá; Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuẩn là đại diện lãnh đạo MTTQVN cấp huyện… Bà Liên kỳ vọng, với những quy định rõ ràng, cụ thể, những đổi mới của Quyết định 25 và Thông tư số 09 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ giúp MTTQVN phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động đánh giá chuẩn TCPL.
Bà Liên đặc biệt đề cao nguyên tắc “lấy người dân làm trung tâm” trong đánh giá chuẩn TCPL với dẫn chứng cụ thể là MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt nguyên tắc này và chỉ trong 15 ngày đã vận động thành công người dân cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái. Bà cho biết sẽ lưu ý những điểm mới này để khi tiếp nhận các phiếu, tài liệu hồ sơ đánh giá do Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL gửi đến, MTTQVN sẽ sử dụng tài liệu một cách hiệu quả nhằm đánh giá chuẩn TCPL được khách quan, công tâm, toàn diện.
Gắn kết với triển khai tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mới
Cho biết có gần 100 nghìn Ban Công tác mặt trận ở các thôn, làng, bản, ấp, bà Liên khẳng định với “mạng lưới” hết sức gần dân, sát dân này, MTTQVN đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân và đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chuẩn TCPL trước đây để góp phần hoàn thiện, ban hành Quyết định 25.
Tới đây, nếu quá trình triển khai Quyết định 25 mà có những vướng mắc, MTTQVN sẽ phối hợp kịp thời với các cơ quan Tư pháp để hướng dẫn, giải đáp ngay; còn những vướng mắc phổ quát, nhiều địa phương phản ánh thì MTTQVN sẽ tập hợp, gửi đến cơ quan Tư pháp để nghiên cứu, sửa đổi, nhất là nhằm bảo đảm triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL gắn kết với triển khai Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Ông Lữ Mai Thanh Tùng chia sẻ về quá trình triển khai một số chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn TCPL tại Hà Nam. |
Đến từ Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Lữ Mai Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi Quyết định 25 được ban hành, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai Quyết định 25. Song song với đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương quán triệt các nội dung mới của Quyết định 25; thực hiện truyền thông chính sách đối với quy định cấp xã đạt chuẩn TCPL; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu Quyết định 25, Thông tư 09 trên các phương tiện truyền thông; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn đánh giá chuẩn TCPL cho 100% cán bộ, công chức tham gia đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL.
Sở cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Quyết định 25, Thông tư 09; có nhiều hoạt động giúp địa phương thực hiện hiệu quả các tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến đạt chuẩn TCPL…
Quá trình triển khai một số chỉ tiêu, tiêu chí như về mô hình PBGDPL hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành…, ông Tùng cho hay, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam rất quan tâm đến việc duy trì được mô hình PBGDPL hiệu quả trong một thời gian dài, có khả năng nhân rộng; việc cập nhật kiến thức cho hòa giải viên để đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu của các vụ việc hòa giải trong tình hình mới hiện nay.
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, việc đánh giá chỉ tiêu bố trí kinh phí, cơ sở vật chất rất khó định lượng nên cơ sở khá băn khoăn trong thực hiện đánh giá chỉ tiêu này hay với việc đánh giá tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đánh giá huyện nông thôn mới đang có sự khác biệt về thời gian đánh giá chuẩn TCPL… Đây là một số khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang mong muốn được Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể hơn nữa.