Hệ quả của lối sống lệch lạc
Mới đây, trên một diễn đàn về gia đình, một phụ nữ tên K. đã lên chia sẻ hoàn cảnh hôn nhân, mong nhận được lời tư vấn. Chị này cho biết, trước kia chị có một mái ấm bình yên, hạnh phúc, hai vợ chồng kinh doanh phát triển, có nhà, xe. Tuy nhiên, từ đầu năm, chị được chồng rủ rê tham gia “quan hệ tập thể” với một cô gái khác. Lý do anh biện minh là dạo này stress, mất cảm xúc trong chuyện chăn gối vợ chồng, đồng thời muốn hai vợ chồng khơi dậy những điều mới mẻ, vun đắp cho mối quan hệ cả hai... Chị K. cho biết, ban đầu chị phản ứng mạnh, nhưng dần dà chồng chị sau nhiều lần thuyết phục, chị đã dại dột gật đầu. Để rồi, từ đó chị trượt dài trong những hành vi tình dục sai trái. Đến nay, khi có thai, chị cảm thấy hối hận, thấy mình thật xấu xa, dơ bẩn, không muốn con mình được sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ có lối sống lệch lạc như thế, nhưng không cách nào thuyết phục chồng từ bỏ những hành vi sai trái được. Chị hoang mang và xin một lời khuyên dành cho mình.
Trên mạng xã hội, hiện nay vẫn xuất hiện những “nhóm kín” tập hợp những người có hành vi tình dục lệch lạc, coi chuyện đổi chồng, đổi vợ cho nhau là thú vui. Anh T.D., một thành viên của nhóm kín J nổi tiếng trên mạng về trao đổi bạn đời cho biết, tiêu chí của nhóm là tìm thêm cảm giác mới lạ, thỏa mãn trong chuyện gối chăn.
Anh D., thành viên của nhóm kín nói trên tiết lộ, “trò chơi” đổi vợ chồng này ẩn chứa nhiều rủi ro như thực tế một số cặp đôi khi tham gia nhóm đã ly hôn sau khi tìm được “nửa kia” yêu thích. Cạnh đó còn có thể mắc các căn bệnh truyền nhiễm nếu không bảo vệ kĩ càng, hay hậu quả khi bị con cái, người thân phát hiện. Đồng thời, có những cặp đôi khi tiến hành hành vi này đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang, chế tài...
Tại một chương trình tâm sự mang tên “Nói nghe nè” phát hành trên mạng xã hội, những người làm chương trình từng chia sẻ câu chuyện có thật từ lời tâm sự của một độc giả nam kể lại hành trình “đổi vợ, đổi chồng” mà bản thân đã trải qua. Theo lời kể của anh này, sau một thời gian say mê trong “thú vui” bệnh hoạn này, thì một thành viên thông báo bị HIV. Các gia đình trong nhóm cuống cuồng đi xét nghiệm và nghiệt ngã thay, hầu hết những người trong nhóm bị HIV, giang mai, lậu. Người vợ của nhân vật trong câu chuyện bị HIV giai đoạn cuối và qua đời ít lâu sau đó. Còn anh này ở lại với tấm thân mang bệnh, gia đình xa lánh sau khi biết sự thật, còn con trai thì bị trầm cảm. Một gia đình từng rất hạnh phúc, lành mạnh, cuối cùng tan nát vì một “cuộc chơi” đáng ra không bao giờ nên xuất hiện trong hôn nhân.
Đừng để giá trị gia đình bị xói mòn
Cốt lõi của gia đình là tình yêu thương và nền tảng cơ bản của mối quan hệ vợ chồng phải luôn là sự thủy chung, một vợ, một chồng. Đó cũng là cốt lõi của đạo đức, pháp luật trong mỗi cuộc hôn nhân. Do đó, trong Bộ tiêu chí ứng xử gia đình của Bộ VH,TT&DL có một nội dung luôn được nhấn mạnh: “Trong mối quan hệ vợ chồng dù trong xã hội truyền thống hay xã hội hiện đại, nếu xa rời đạo lý thủy chung, tình nghĩa thì gia đình sẽ đứng trước nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ, ly tán..”. Điều đó có thể hiểu là một khi những thành viên của gia đình bước ra khỏi ranh giới của đạo đức, của thuần phong mỹ tục, chạy theo lối sống bản năng, lệch lạc, thì chính bản thân họ đã tự đạp đổ đi mọi giá trị đáng trân trọng của gia đình. Cuộc hôn nhân ấy cũng không còn ý nghĩa để tồn tại nữa.
Trước những biến đổi phức tạp, đa chiều của xã hội hiện đại, tính bền vững của gia đình hiện đại đứng trước nhiều nguy cơ thách thức hơn bao giờ hết, vì vậy, giá trị đạo đức thủy chung, tình nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng cần được giữ gìn, vun đắp. Đừng để đến khi vi phạm các quy tắc đạo đức xã hội hoặc nghiêm trọng hơn cũng đã vi phạm pháp luật về hôn nhân - gia đình, rồi mới tỉnh ngộ thì đã quá muộn.