Nên luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người bạn đời, với xã hội, trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau. Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã đề xuất vấn đề “luật hóa” khám sức khỏe tiền hôn nhân để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số cho đất nước.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị không thể thiếu cho một cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc bền vững. (Ảnh minh họa. Nguồn: SKĐS)
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị không thể thiếu cho một cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc bền vững. (Ảnh minh họa. Nguồn: SKĐS)

Rất cần thiết nhưng chưa nhiều người quan tâm

Trước khi bước vào hành trình hôn nhân, việc quan trọng nhất không chỉ là chuẩn bị tinh thần mà còn là bảo đảm sức khỏe vững mạnh. Khám sức khỏe tiền hôn nhân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng sức khỏe của hai người phối ngẫu và tạo nền tảng cho một hành trình hạnh phúc và bền vững.

Hiện nay, các cặp đôi khi tiến đến việc kết hôn thường chuẩn bị rất nhiều thứ, từ việc chụp hình cưới ra sao, tổ chức đám cưới thế nào, ở đâu... Tuy nhiên, họ thường quên mất một điều quan trọng và cần thiết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đó là kiểm tra sức khỏe đôi bên trước hôn nhân.

Các lý do khiến các cặp đôi không hoặc chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm sự thiếu thông tin nên chưa biết về cần thiết của khám sức khỏe tiền hôn nhân, hoặc lo lắng về gánh nặng tài chính trong khi việc tổ chức đám cưới đã quá nhiều tốn kém. Còn một lý do tế nhị cũng thường gặp là có những người có các bệnh kín, giấu diếm vì sợ khám phát hiện ra tan vỡ tình cảm...

Theo các chuyên gia y tế, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ để biết sức khỏe hiện thời của người khám, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp, kiểm soát việc mang thai và sinh nở, tránh tình trạng nạo phá thai do mang thai ngoài ý muốn mà quan trọng là giúp phòng ngừa, phát hiện sớm và kịp thời điều trị các bệnh tật trong đó có các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; Kiểm tra khả năng sinh sản ở cả vợ và chồng, điều trị sớm một số bệnh có khả năng gây ảnh hưởng tới việc mang thai và sinh con giúp tránh được một số dị tật bẩm sinh cho con cái sau trong tương lai; Dự phòng và điều trị những bệnh lý tiềm ẩn, giúp cho việc mang thai và sinh nở về sau được suôn sẻ hơn...

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp cung cấp cái nhìn toàn diện về tình trạng sức khỏe của cả hai bên. Nó không chỉ tập trung vào các vấn đề hiện tại mà còn giúp nhìn xa hơn để dự đoán và phòng tránh những vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai. Điều này giúp tạo ra sự hiểu biết chặt chẽ về các yếu tố nguy cơ và khuyến khích việc chăm sóc sức khỏe từ trước khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân đặc biệt quan trọng đối với những cặp đôi có kế hoạch có con. Việc kiểm tra khả năng sinh sản, xác định vấn đề tiền đình và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thai nghén đều giúp tạo ra kế hoạch hợp lý và giảm thiểu rủi ro.

Một trong những yếu tố chính tạo nên một hôn nhân bền vững là sức khỏe vững mạnh của cả hai đối tác. Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp ngăn chặn và quản lý bệnh tật mà còn là cơ hội để tăng cường sức khỏe và tạo nên một môi trường lý tưởng cho tình cảm và hạnh phúc gia đình.

Đặc biệt, khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giới hạn ở khía cạnh sinh lý, sức khỏe mà còn mở rộng sang khía cạnh tâm lý và tình cảm. Nó tạo cơ hội để đối thoại và chia sẻ về các lo ngại, mong muốn và kỳ vọng, giúp xây dựng một cơ sở tinh thần mạnh mẽ cho cuộc hôn nhân sắp tới.

Một vài năm gần đây, tỉ lệ lựa chọn khám sức khỏe tiền hôn nhân đã có dấu hiệu tăng nhờ sự tuyên truyền tích cực của cơ quan chức năng. Thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh năm 2022 ghi nhận 950 cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân trong tổng số 1.900 cặp dự định kết hôn. Tại Hà Nội, tỷ lệ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn đạt gần 32% vào năm 2022, theo Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, so với mức độ cần thiết, so với nhiều quốc gia khác ở tầm phát triển tương tự, cũng như so với kỳ vọng của ngành y tế là “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90% vào năm 2030”, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân đầy đủ sẽ góp phần đem đến một thế hệ tương lai khỏe mạnh. (Ảnh minh họa. Nguồn: GDTĐ)

Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân đầy đủ sẽ góp phần đem đến một thế hệ tương lai khỏe mạnh. (Ảnh minh họa. Nguồn: GDTĐ)

Cần “luật hóa” để nâng cao chất lượng dân số

Vừa qua, trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Đề xuất này đã gây ra một số tranh luận trong dư luận xoay quanh việc có cần và có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không. Tuy mỗi người một quan điểm, nhưng không thể phủ nhận rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị cực kì quan trọng cho hôn nhân.

Ông Nguyễn Tri Thức chia sẻ rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim. Bản thân ông từng chứng kiến nhiều trường hợp đến khi đi sinh người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Khi vào sinh bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, những hậu quả đáng buồn này hoàn toàn có thể tránh được nếu các cặp đôi khám kiểm tra trước hôn nhân. Chính vì thế, theo bác sĩ Thức, khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau.

Trong quá trình khám, điều trị, nhiều bác sĩ cũng đã gặp phải những câu chuyện tương tự, những hậu quả đáng buồn khi trẻ con sinh ra mắc các bệnh bẩm sinh, các dị tật hoặc thai chết lưu, sẩy nhiều lần... do các bệnh di truyền từ cha mẹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và hồ sơ đăng ký kết hôn quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 123/2015, không có quy định nào bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với công dân trong nước.

Thực ra, từ hơn 10 năm trước đây, nhiều chuyên gia đã bày tỏ ý kiến về sự cần thiết của đưa vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân vào luật. Thời điểm đó, hàng năm cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào tuổi lập gia đình, nhưng khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn còn là một cái gì đó khá mù mờ, không nằm trong danh sách quan tâm của họ. Sau 10 năm, mọi thứ có vẻ đã khởi sắc hơn, tuy nhiên, với tỉ lệ thống kê về khám sức khỏe tiền hôn nhân tại cả các thành phố lớn lẫn nông thôn của chúng ta vẫn chưa đạt kì vọng. Hiện một số quốc gia trên thế giới, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được luật hóa và kết quả sơ bộ cho thấy có những tiến triển tốt về chất lượng dân số sau nhiều năm thực hiện việc luật hóa.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra các chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%”. Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng đã nêu rõ, cấp ủy, chính quyền các cấp đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Để giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, tăng tỷ lệ nam/nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, nâng cao chất lượng dân số, để bảo đảm có được những gia đình hạnh phúc, một xã hội mạnh khỏe, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cũng như toàn xã hội. Và luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân là một yếu tố cần để khai thông những điểm nghẽn trong công tác triển khai khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Đọc thêm