Bạo động ở Anh lan tới Đức?

Thủ đô Berlin của Đức trong 4 tối kể từ hôm 15/8 chứng kiến một làn sóng đốt phá xe chưa từng xảy ra trong khi cảnh sát vẫn chưa bắt giữ được nghi phạm nào. Tình trạng càng trở nên nghiêm trọng khi nó xảy ra chỉ ít ngày sau hàng loạt các vụ bạo động ở Anh.

Thủ đô Berlin của Đức trong 4 tối kể từ hôm 15/8 chứng kiến một làn sóng đốt phá xe chưa từng xảy ra trong khi cảnh sát vẫn chưa bắt giữ được nghi phạm nào. Tình trạng càng trở nên nghiêm trọng khi nó xảy ra chỉ ít ngày sau hàng loạt các vụ bạo động ở Anh.

Một chiếc xe bị phóng hỏa thiêu rụi. Ảnh The Local
Một chiếc xe bị phóng hỏa thiêu rụi. Ảnh The Local

Theo tờ báo Đức The Local, dù cảnh sát đã tăng cường tuần tra và thậm chí còn sử dụng cả một chiếc trực thăng và nhiều máy ảnh chịu nhiệt để theo dõi tình hình nhưng vẫn có đến 11 chiếc xe bị phá hủy vào rạng sáng qua (19/8) tại Thủ đô Berlin. Trước đó, trong 3 tối liên tiếp từ 15 đến 18/8, khoảng 40 chiếc xe cũng đã bị phá hủy hoặc đốt cháy. Ngoài ra, tình trạng đốt phá các phương tiện giao thông cũng xảy ra tại bang Brandenburg, phía Đông Bắc nước Đức với việc một chiếc xe hơi và một chiếc ô tô tải đỗ cách nhau khoảng 2 km đã bị phóng hỏa thiêu cháy. 

Cho đến nay, nhà chức trách chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào xảy ra trong các vụ phá hoại và cũng chưa có đối tượng nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Cảnh sát cho biết đang truy tìm tung tích của ít nhất 3 kẻ tình nghi và đã trao một khoản tiền thưởng trị giá 5.000 euro (tương đương 7.180 USD) cho người cung cấp thông tin giúp cảnh sát lần ra đầu mối các vụ tấn công.

Vụ việc đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận khi nó diễn ra ngay sau hàng loạt các vụ bạo động và cướp bóc ở London và một vài thành phố lớn của Anh bắt đầu từ hôm 6/8.

Trước diễn biến phức tạp này, cảnh sát Berlin đã phải nhờ đến sự trợ giúp của chính phủ liên bang và các tiểu bang khác để đối phó với tình hình. Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit đã gọi các vụ phóng hỏa là hành vi “phá rối mang tính chất phá hoại” và rằng đó là “những tội ác không thể chấp nhận được và cần phải bị truy tố đến cùng”.

“Chúng ta cần những biện pháp ngăn chặn cứng rắn” – ông Rainer Wendt - người đứng đầu công đoàn cảnh sát Đức tuyên  bố. Còn chuyên gia về an ninh của Đảng Dân chủ Xã hội Dieter Wiefelspütz khi phát biểu với báo giới đã gọi việc thiêu hủy các phương tiện giao thông đang tiếp diễn ở Berlin là “một khúc dạo đầu của các hành động khủng bố”.

Việc đốt phá những chiếc xe cao cấp đã từng xảy ra ở một số thành phố của Đức, đặc biệt là Berlin và Hamburg, với khoảng 300 chiếc xe ô tô đã bị phóng hỏa đốt trụi từ đầu năm 2011 đến nay và các vụ việc này được nhà chức trách Đức quy kết cho các phần tử cực đoan cánh tả thực hiện.

Tuy nhiên, diễn biến trong 3 ngày qua lại có phần khác so với các vụ việc trước đó. Cảnh sát cho hay, mặc dù một số chiếc xe sang như BMW, Mercedes và Audi đã bị phá hủy nhưng trong số những chiếc xe vẫn còn âm ỉ cháy cho đến sáng 19/8 có cả những mẫu xe cũ, giá trị không cao đậu bên cạnh những chiếc xe kiểu Nhật đắt tiền không hề hấn gì.

Ngoài ra, các phần tử cánh tả cực đoan thường chọn sở cảnh sát là mục tiêu trong các cuộc tấn công gần đây và sau đó nhanh chóng đứng ra nhận trách nhiệm. Nhưng hàng loạt các vụ việc diễn ra mấy ngày qua đã không theo quy luật này.

“Có vẻ như những phần tử cánh tả cực đoan không phải là người đã thực hiện những vụ việc. Đối với chúng tôi, đây là dấu hiệu cho thấy các vụ việc chỉ mang động cơ chính trị giả và thực chất là những vụ việc mang tính chất bắt chước” – bà Margarete Koppers - một quan chức cảnh sát Berlin nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng những vụ việc ở Berlin có thể chuyển sang thành những cuộc bạo động giống như ở London cuối tuần trước. Bà Merkel nói: “Tôi hy vọng và khá tự tin rằng Đức sẽ không bị ảnh hưởng bởi những sự việc xảy ra gần đây ở London và một số thành phố khác của Anh”.

Hà Dung (theo The Local, AP)