Báo động thực trạng ô nhiễm và tái ô nhiễm kênh rạch ở TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều kênh rạch tại TP HCM đang trong tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm. Cư dân ở những khu vực này không những phải chịu hoàn cảnh sống “nghẹt thở” mà còn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.
Một con kênh nhỏ nước đen bốc mùi khó chịu trong khu dân cư ở TP Thủ Đức, TP HCM. (Ảnh: Ngọc Mai)
Một con kênh nhỏ nước đen bốc mùi khó chịu trong khu dân cư ở TP Thủ Đức, TP HCM. (Ảnh: Ngọc Mai)

Khổ vì kênh nước đen

Nhiều người dân khu vực rạch Văn Thánh, Bình Thạnh, TP HCM lâu nay đã phải sống cạnh một dòng kênh đen nghịt, bốc mùi khó chịu. Nguyên nhân do tình trạng bồi lấp dòng và lấn chiếm dòng rạch kéo dài, con rạch không có khả năng thoát nước, gây ùn ứ và rác thải.

Tương tự, dân cư khu vực rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quận Bình Thạnh đến quận Gò Vấp) cũng khốn khổ khi con rạch bị bồi lắng và ô nhiễm nặng nề. Hai bên bờ rạch rác thải ngập ngụa, đôi chỗ hở cho thấy dòng nước đen chảy qua. Anh Trần Hữu Tuấn sống trong khu vực này chia sẻ: “Ngày nào dân tụi tui sống ở đây cũng phải ngửi cái mùi hôi này đến nghẹt thở. Dễ sợ nhất là khu vực rất nhiều ruồi và muỗi. Ban ngày hay đêm cũng có, trẻ con lúc nào người cũng chi chít vết muỗi đốt, rất khó chịu”.

Nét đặc trưng của TP HCM là hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt. Nhưng nhiều khu vực kênh rạch tại đây đang ô nhiễm trầm trọng. Kênh Tham Lương dài hơn 30km, đi qua nhiều quận, huyện như Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh... từng ô nhiễm “khủng khiếp” kéo dài hàng chục năm. Kênh nước đen ở quận Bình Tân, suốt hàng chục năm trời là “điểm đen” về môi trường của khu vực này. Kênh Tân Hóa - Lò Gốm chảy qua 3 quận Tân Phú, quận 6 và quận 11 đầy rác thải, xác động vật, bốc mùi xú uế.

Ngoài các dòng kênh “nổi tiếng” trên, nhiều con kênh nhỏ, nước đen, ô nhiễm vẫn tồn tại trong các khu dân cư. Những kênh, rạch ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân mà còn gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và bộ mặt chung của thành phố.

TP HCM thời gian vừa qua ghi nhận lượng bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng, không ít ca trở nặng, tử vong. Trong tuần qua, TP cũng ghi nhận 365 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 13,3% so với trung bình 4 tuần trước. Một phần không nhỏ của những con số đáng báo động này bắt nguồn từ những khu vực ô nhiễm nặng nề trong các khu dân cư ven kênh rạch.

Gian nan cải tạo kênh rạch

Trong những năm qua, TP HCM đã có nhiều động thái tích cực để cải tạo, thay đổi bộ mặt của những con kênh đen. Như kênh Nhiêu Lộc từng là con kênh dài, lớn chảy quanh thành phố, chịu ô nhiễm nặng. Năm 1993, dự án khởi động với vốn cải tạo giai đoạn một là 8.600 tỷ đồng, cho đến nay đã thay đổi diện mạo, đưa kênh Nhiêu Lộc trở thành dòng kênh xinh đẹp, nhiều dự án du lịch đã được triển khai trên dòng kênh này.

Con kênh Tham Lương được triển khai cải tạo giai đoạn 1 cách đây 21 năm và khởi công dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng với tổng vốn 8.200 tỉ đồng vào tháng 2 năm nay. Đến nay, sau 6 tháng thi công, nhiều đoạn kênh đã bớt rác thải, ô nhiễm, lấy lại được vẻ mỹ quan.

Hay công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được hoàn thành vào năm 2015 với kinh phí đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, đã thực hiện nạo vét 300.000m3 bùn, khơi thông dòng chảy, đồng thời xây dựng gần 12km đường, xây lắp gần 8.000m cống bao thu gom nước thải.

Các con rạch ô nhiễm như rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh... cũng đã có dự án với ngân sách hàng ngàn tỷ đồng sẽ được khởi công trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, TP HCM cũng đang đối mặt với một vấn nạn, bên cạnh sự ô nhiễm của các dòng kênh hiện hữu, còn có thực trạng tái ô nhiễm tại các dòng kênh đã cải tạo. Như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau một thời gian dài tinh tươm, nay một số đoạn đã có dấu hiệu ô nhiễm trở lại.

Con kênh Tân Hóa - Lò Gốm đến nay lại bị xếp vào “khu vực ô nhiễm” với nước “đen” sủi bọt, rác ngập hai bên bờ và bốc mùi khó chịu. Nhiều kênh khác đã cải tạo cũng trong tình trạng tương tự.

Dẫn đến thực trạng này, một phần nguyên nhân do các nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải công nghiệp trực tiếp ra cống dẫn đến các dòng kênh. Một phần do ý thức sinh hoạt của người dân. Rác thải trên các tuyến kênh này chủ yếu là lục bình và rác thải sinh hoạt, như các sản phẩm nilon, nhựa, các rác thải cồng kềnh, xác động vật... Những thứ này được cư dân xung quanh xả ra hàng ngày, dần “bức tử” các con kênh, đồng thời gây hại luôn cho đời sống người dân.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và tái ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mỹ quan đô thị, thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền thành phố ngoài tích cực cải tạo các con kênh ô nhiễm còn cần những biện pháp hạn chế tái ô nhiễm như thường xuyên kiểm tra, rà soát, chỉnh đốn tình hình vệ sinh các khu vực dân cư ven kênh rạch. Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc người dân cố ý xả thải, gây ô nhiễm kênh rạch.