Hiện có hai khả năng bệnh tiểu đường có thể là hậu quả của việc mắc COVID-19 hoặc bệnh này là hậu quả của tình trạng trì trệ, ít hoạt động trong thời gian diễn ra đại dịch.
Khi cậu con trai Nolan 11 tuổi bắt đầu sụt cân và uống nhiều nước hơn, anh chị Balcitis cho rằng con mình chỉ đang rối loạn tuổi dậy thì. Tuy nhiên, khi bé Nolan hay ngủ lịm đi, anh chị bắt đầu lo. Các xét nghiệm cho thấy, mức đường máu của cậu bé vượt cả mức đo trên máy.
Như vậy là 6 tháng sau khi mắc COVID-19 thể nhẹ, Nolan Balcitis được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1 với đầy đủ triệu chứng điển hình.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đang tiến hành điều tra mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường. Nghiên cứu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, những ca bệnh tiểu đường mới trong khoảng từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021 xuất hiện phổ biến ở những trẻ mắc COVID-19. Các báo cáo từ châu Âu và một số bệnh viện ở Mỹ cũng cho thấy, số ca mắc bệnh tiểu đường có tốc độ tăng nhanh hơn trong đại dịch COVID-19.
Cậu bé Nolan Balcitis mắc tiểu đường tuýp 1 khi mới chỉ 11 tuổi sau khi mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Các bác sỹ lo ngại rằng, COVID-19 và lối sinh hoạt trì trệ trong đại dịch có thể là những nguyên nhân chính gây ra các ca bệnh tiểu đường.
TS. Rasa Kazlauskaite, chuyên gia về bệnh tiểu đường, Trung tâm y tế, Đại học Rush, Mỹ, cho biết: "Nếu một người mắc tiểu đường trong thời gian mắc COVID-19 không có nghĩa là người đó chắc chắn sẽ bị tiểu đường vĩnh viễn. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, virus SARS-CoV-2 gây tổn thương vĩnh viễn các tế bào beta của tuyến tụy, làm giảm khả năng của cơ thể tạo và tiết ra insulin. Và như vậy việc mắc bệnh tiểu đường do hậu quả của COVID-19 có thể là vĩnh viễn".
Hiện trên thế giới có hơn 540 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó có những bệnh nhân như Nolan Balcitis, mới trẻ tuổi mà đã phải làm quen với việc kiểm tra đường huyết và bổ sung insulin hàng ngày.