Bão gần bờ, mưa lớn diện rộng, các tỉnh sẵn sàng ứng phó

10h hôm nay, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ khoảng 100 km về phía Đông Nam. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, với lượng mưa phổ biến từ 50 – 100 mm, có nơi trên 200 mm. Khu vực nội thành Hà Nội mưa lớn trở lại từ khoảng 11h30. Thanh Hóa còn 20 tàu thuyền chưa vào nơi tránh trú. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... đã triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với bão.

[links()]Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 50 – 100 mm. Một số nơi có mưa to hơn như Con Cuông (Nghệ An): 113 mm; Đô Lương (Nghệ An) 218 mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 215 mm; Tp.Vinh 214 mm; Thạch Đồng (Hà Tĩnh) 239 mm; Tp.Hà Tĩnh 266 mm…

Khu vực Hà Nội mưa, gió khá mạnh, kèm sấm sét từ tối qua. Sáng nay, trời âm u và mưa to trở lại khu vực nội thành từ khoảng 11h30 hôm nay. 

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Một số nơi có gió mạnh hơn như Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8; đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió cấp 7, giật cấp 10; ở Văn Lý (Nam Định) có gió giật cấp 7; Thái Bình gió giật cấp 8; Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật cấp 8...

Vị trí tâm bão và hoàn lưu bão số 2 vào 10h hôm nay.
Vị trí tâm bão và hoàn lưu bão số 2 vào 10h hôm nay.

10h hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ khoảng 100 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc sau đó có khả năng lệch dần về hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 10h ngày 24/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 , giật cấp 7.

Trong khoảng 24 - 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 22h ngày 24/06, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Quảng Ninh triển khai các phương án di dân

Sáng nay, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương trong tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành và đơn vị trên địa bàn chủ động các biện pháp đối phó với bão.

Công điện nêu rõ, dự kiến trong chiều và tối nay, bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và trùng với đợt triều cường.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và thủ trưởng các ngành, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện của UBND tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về phòng chống cơn Bão số 2.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên, Giao thông vận tải chuẩn bị ngay phương án huy động lực lượng ứng cứu khi có yêu cầu.

Khẩn trương gia cố lại các đoạn đê xung yếu, đầm nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở trên lồng bè, chòi canh đầm; triển khai  phương án di chuyển dân ở các vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; hoàn thành các công việc trên trước 14h ngày 23/6/2013.

Do là mùa du lịch nên lượng khách đến Hải Phòng và Quảng Ninh khá đông, để đảm bảo an toàn cho du khách, tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đã có nhiều biện pháp kêu gọi tàu thuyền du lịch vào bờ.

Cảng vụ Quảng Ninh cho biết, đến 14h hôm qua, 450 tàu du lịch đã di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn. Thực hiện Công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Cảng vụ đã thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến và hướng đi của cơn bão để có phương án đối phó. Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng thông báo và liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng và Cảng vụ để đảm bảo an toàn chung.

Hải Phòng: Huy động 37.000 người chống bão

Theo Dân trí, hơn 10h hôm nay, khắp các địa phương của Hải Phòngdiễn ra mưa lớn, gió bắt đầu mạnh lên. Đặc biệt, các khu vực ven biển mưa đang rất to kèm gió giật trên cấp 6, cấp 7. Mọi hoạt động của người dân gần như ngưng trệ.

VGP News đưa tin, công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện phòng chống bão lụt khá chu đáo với gần 37.000 người tham gia. Trong đó, lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 7.300 người; 328 xe ô tô các loại, 107 tàu, xuồng cao tốc và 4 xe thiết giáp.

Lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng bố trí 225 người; 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ô tô các loại...

Tính đến 17h hôm qua (22/6), cơ quan chức năng đã thông tin cho gần 4.000 phương tiện, lồng bè với 11.500 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của khu vực có gió mạnh để chủ động phòng tránh. Trong đó, đang hoạt động ven biển là 400 phương tiện và 1.000 lao động. Gần 3.000 phương tiện đang neo đậu tại các bến với 9.300 lao động và 534 lồng bè nuôi trồng thủy sản với 1.000 lao động.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, có 366 phương tiện tàu thuyền trong khu vực âu cảng và tàu thuyền hoạt động khu vực biển quanh đảo, trong đó có 27 phương tiện hoạt động cách đảo 5 hải lý trở lên; huyện đảo đã bố trí 70 người, 2 xe cẩu đưa tòa bộ số thuyền chèo tay, thuyền gắn máy, tàu thuyền nhỏ trong khu vực âu cảng lên bờ tránh bão.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Cát Hải cho biết: Hiện có 5.400 khách du lịch ở huyện đảo, nhưng tất cả đều an toàn. Có những du khách đang trên đường đến Cát Hải cũng đã quay trở lại và hủy tour.

Thái Bình: Gần 900 tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn

Tính đến trưa 22/6, đã có 892 tàu thuyền của Thái Bình với hơn 2.000 ngư dân lao đã trở về đất liền neo đậu an toàn, hiện còn 294 phương tiện với 831 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo để tránh trú bão, không đi vào vùng nguy hiểm.

Cùng ngày, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hai đoàn công tác xuống kiểm tra tại các tuyến đê biển xung yếu, trong đó có tuyến đê biển số 5 (từ km15 đến km17+500) thuộc địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải đang thi công dở dang có chiều dài trên 2,7 km.

Tỉnh Thái Bình yêu cầu huyện Tiền Hải vận động 14 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ngoài đê quốc gia (xã Đông Long) vào khu tái định cư trong nội đồng trước 10 giờ ngày 23/6.

Thanh Hóa: 20 tàu thuyền chưa vào nơi tránh trú bão

Dân trí phản ánh, trưa nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã liên lạc được với tổng số 6.047/6.067 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn tại các cảng cá, âu thuyền trong tỉnh hoặc đã vào tránh trú bão tại các khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh và đảo Bạch Long Vĩ.

Hiện Thanh Hóa vẫn còn 20 phương tiện với 80 lao động còn đang hoạt động trên biển. Tất cả chủ các phương tiện này đã nhận được thông tin về cơn bão, đang chủ động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Còn những phương tiện đã tránh trú bão ở ngoài tỉnh vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia đình.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã liên lạc được với tổng số 6.047/6.067 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn tại các cảng cá, âu thuyền trong tỉnh hoặc đã vào tránh trú bão tại các khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh và đảo Bạch Long Vĩ.

Hiện Thanh Hóa vẫn còn 20 phương tiện với 80 lao động còn đang hoạt động trên biển. Tất cả chủ các phương tiện này đã nhận được thông tin về cơn bão, đang chủ động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Còn những phương tiện đã tránh trú bão ở ngoài tỉnh vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia đình.

Quảng Bình: Không để tàu thuyền ra khơi khi bão về

Theo VGP News, tại tỉnh Quảng Bình, đến chiều 22/6, còn 63 tàu cá với gần 500 ngư dân đang đánh bắt trên biển. Hiện, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện này để hướng dẫn hướng di chuyển, tránh khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão.

Bộ đội biên phòng tỉnh cũng phối hợp với các địa phương nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt.

Trung úy Đình Tuấn Thanh, Trợ lý tác chiến, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với biên phòng, chúng tôi duy trì chế độ trực 24/24, chỉ đạo tất cả các đơn vị tuyến biển bằng mọi kênh thông tin liên lạc báo cho tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình, tàu thuyền cơ bản đã vào bờ và trú ẩn an toàn, chỉ còn 63 tàu đang trên đường vào bờ. Chúng tôi sẽ kết hợp giữa chính quyền và nhân dân để ứng cứu khi có tình huống xảy ra”.

Thừa Thiên-Huế: Bắn pháo gọi tàu thuyền vào bờ

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến trưa 22/6 có hơn 370 phương tiện với hơn 2.500 lao động đã vào bờ tránh bão an toàn. Trước diễn biến của cơn Bão số 2, tối 21/6, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển như Phong Điền; cửa khẩu Chân Mây và Hải đội 2 tại thị trấn Thuận An tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão; đồng thời thông báo cho tàu thuyền không được ra khơi khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng Tham mưu Tác chiến, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: "Đến giờ chúng tôi đã đình chỉ tất cả các hoạt động đi biển của ngư dân. Hiện nay có 35 phương tiện và 117 lao động hoạt động đánh bắt xa bờ đang còn trên biển, hoạt động từ vùng biển tiếp giáp thành phố Đà Nẵng đến vùng tiếp giáp đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, cách bờ từ 35-36 hải lý. Số phương tiện này hiện nay chúng tôi đã liên lạc được và đang hướng dẫn cho bà con vào bờ trú ẩn”.

PLVN (tổng hợp)

Đọc thêm