Hậu quả từ sự “dạy dỗ quá tay”
Gần đây nhất, việc em Phàn Chung Thủy (6 tuổi, học sinh Trường tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) bị giáo viên chủ nhiệm đánh sưng mắt, tím mặt chỉ vì viết bài chậm đang khiến dư luận rất phẫn nộ. Bức xúc và phẫn nộ không chỉ vì giáo viên này dùng roi đánh vào đầu, vào mặt và hai bên thái dương của một em học sinh chưa đủ hiểu biết và khả năng nhận thức (vì em mới học lớp 1) mà còn vì đây là lần thứ hai cháu Thủy bị giáo viên bạo hành.
Có lẽ phải mất một thời gian rất lâu, em mới có thể quên đi những ấn tượng hãi hùng đó, mà cũng có thể là không bao giờ. Bởi sau khi bị cô giáo trừng phạt, gương mặt thơ ngây của đứa bé 6 tuổi đã sưng húp và tím bầm. Những ngày nằm trong bệnh viện điều trị, em không dám ngẩng lên nhìn người lạ và luôn run rẩy bám lấy áo mẹ mỗi khi có bất kỳ ai nhắc đến chuyện em bị bạo hành ở lớp.
Phàn Chung Thủy (6 tuổi, học sinh Trường tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) bị giáo viên chủ nhiệm đánh sưng mắt, tím mặt |
Cùng ngày bé Thủy bị bạo hành, cách Lào Cai cả nghìn cây số - tại tỉnh Gia Lai ngày 25/3- cũng xảy ra chuyện giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, Trường tiểu học Kim Đồng (xã Chư A Thai) trừng phạt 12 học sinh bằng cách đánh thâm tím mông các em chỉ vì các em không hoàn thành bài tập về nhà. Trước đó, tại trường THCS Định Hòa (Yên Định,Thanh Hóa), thầy giáo dạy vật lý của trường cũng dùng gậy đánh em Đỗ Lân Anh (học sinh lớp 8) đến gẫy tay.
Lâu nay, trong xã hội vẫn quan niệm nghề giáo là một nghề cao quý với mục đích dạy bảo học sinh trở thành người có đạo đức, văn hóa trước khi giúp các em thành tài. Bởi vậy, dù các em có lỗi gì đi chăng nữa thì việc giáo viên trừng phạt học sinh bằng cách đánh đập các em là không thể chấp nhận được- không chấp nhận cả trên phương diện đạo đức nghề nghiệp lẫn những quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm để răn đe
Trẻ em luôn luôn là đối tượng được Nhà nước ưu tiên bảo vệ và chăm sóc, bởi vậy theo phân tích của Luật sư Lê Thiên (Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê và liên danh), hành vi giáo viên dùng vũ lực để “dạy dỗ” học sinh không chỉ vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà còn vi phạm các quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật liên quan.
Trở lại vụ việc ở Lào Cai, hành vi của giáo viên đánh vào đầu và mặt học sinh lớp 1 khiến em này bị chấn thương đã có yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại điều luật này thì người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật hoặc đối với nhiều người thì “bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”. Tuy nhiên, nếu hành vi đối xử tàn ác này mà gây thương tích cho người bị hành hạ thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Bên cạnh đó, hành vi bạo hành của giáo viên đối với học sinh còn bị xử lý theo Nghị định số 27/2012/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức như: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc tùy theo mức độ vi phạm.
Liên quan đến vấn đề này, Điều 21 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học”.