Chỉ 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Tại Diễn đàn “BHNN-Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng" do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 21/12, Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, dù Chính phủ cũng như ngành NN liên tục có chính sách “trải thảm” để mời gọi các DN tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào NN lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất NN chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước, và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%.
Ngoài ra, rất ít DN đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, phần lớn là DN dựa vào việc khai thác nguồn lực tự nhiên như đất đai, nước, chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Trong khi đó, sự liên kết giữa các DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.
“Trong bối cảnh đó, BHNN là cách tốt nhất đưa nông dân đến sản xuất hàng hóa, là giải pháp quan trọng để nhà nước thúc đẩy đổi mới cơ cấu, phát triển nền NN hàng hóa", ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển NN Việt Nam (PHANO) khẳng đinh.
Theo ông Lộc, BHNN sẽ giúp tất cả nông dân tham gia BH đều phải theo quy trình sản xuất tiên tiến, giúp sản xuất an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập. Vì có BH nên người nông dân tự tin sản xuất theo chỉ đạo, mở rộng quy mô sản xuất, tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng quy mô từ đó sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, BH cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ được cơ quan BH xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững…
Vẫn loay hoay …
Ngày 01/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm BHNN giai đoạn 2011 – 2013. Trong giai đoạn thí điểm này có 20 tỉnh tham gia, với trên 9 đối tượng: Lúa, trâu, bò, lợn, gà, vịt, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá. Tháng 08/2014, Bộ Tài chính, Bộ NN& PTNT đã tổng kết thí điểm và đến tháng 09/2014, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về tiếp tục triển khai BHNN (Thông báo 6828/VPCP-KHTH). Tháng 01/2015 Văn phòng chính phủ có Thông báo 496/VPCP-KHTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo tiếp tục thí điểm BHNN và bổ sung BH vật nuôi cho Hà Giang.
“Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời điểm 09/2014, việc thực hiện dường như nằm im…” - Phó Chủ tịch PHANO, ông Tăng Minh Lộc phát biểu.
Cũng theo ông Lộc,sau 3 năm thí điểm, đại đa số hộ chăn nuôi, làm lúa đã phấn khởi, tin tưởng, nhiều tỉnh muốn mở rộng. Bên cạnh đó, cách xác định mức phí, phương pháp bồi thường với lúa, chăn nuôi, thực tế kiểm nghiệm là phù hợp và đi đúng hướng.Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao, BH thủy sản bị trục lợi nặng; thực hiện tái BH còn lúng túng;
Nguyên nhân được chỉ ra là do chọn đối tượng chủ yếu tham gia thí điểm BH chưa phù hợp; Bộ máy thực thi thiếu kinh nghiệm (nhất là CBNV các đơn vị BH) bởi thiếu người có hiểu biết sâu, giám sát chặt chẽ với hoạt động sản xuất của người nông dân. Thiếu sự phối hợp giữa các DN BH với chính quyền địa phương nên dẫn đến tình trạng giám sát kém, thông báo dịch, thiên tai chậm dẫn đến tình trạng trục lợi (thủy sản).
Trong khi đó, mới có sự tham gia của 2 DN BH (Bảo Việt, Bảo Minh) và TCty tái BH, thiếu sự tham gia của các DN lĩnh vực sản xuất NN, có liên kết với nông dân, cho nên chưa bộc lộ hết thuận lợi, khó khăn của BHNN, dẫn đến hạn chế ý nghĩa thí điểm.
Là một DN BH gắn bó với NN, với bà con nông dân trong 10 năm qua,bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP BH Ngân hàng NN (ABIC) cũng thừa nhận: “Đây là một lĩnh vực tiềm năng nhưng rất khó triển khai và rủi ro cho các DN BH”
Bà Tính dẫn chứng, sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN đã vận động được 304.017 hộ nông dân mua BH cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, lơn, gà) với doanh thu phí BH đạt 394 tỷ đồng, giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua BH (chủ yếu là bồi thường thủy sản 306% doanh thu).Tuy nhiên, mô hình triển khai thí điểm khó nhân rộng ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực BH thủy hải sản, BH vật nuôi.
Nguyên nhân được chỉ ra là do mức độ tổn thất hàng năm trong lĩnh vực sản xuất NN rất cao (ước tính 1,5%-2% GDP) đòi hỏi DN BH phải có mức vốn lớn và có rất đông người tham gia BH để đảm bảo không bị lỗ trong kinh doanh; Đặc biệt, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô và mức độ tổn thất lại không đầy đủ và chi tiết nên không có cơ sở định phí rủi ro phù hợp. Thêm vào đó, mô hình sản xuất NN trong khu vực nông thôn phổ biến là qui mô nhỏ, manh mún, cách thức nuôi trồng không bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.
Cùng với đó, các DN BH và nhà tái BH chưa có nhiều kinh nghiệm về BHNN ở Việt Nam, đặc biệt là khâu đánh giá rủi ro định phí BH và giám định tổn thất... Thiếu cơ chế khuyến khích tham gia vào chương trình BHNN của khối ngân hàng, trong khi đây là chủ thể thực hiện các chương trình, chính sách lớn của Chính phủ trong phát triển NN nông thôn…
Theo đại diện Bộ Tài chính, ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát BH, trong, tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về BHNN với 02 chính sách về thực hiện BHNN và chính sách hỗ trợ BHNN, dự kiến triển khai từ 1/1/2018. Trong đó có nêu rõ: BHNN được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia BH, đối tượng BH, rủi ro được BH và phạm vi địa bàn; Chính sách hỗ trợ BHNN được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ. Đồng thời, dự thảo Nghị định xây dựng các quy định cụ thể về kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận BH nhằm đảm bảo hai chính sách nêu trên được triển khai thực hiện lành mạnh, bền vững và hiệu quả…